Tiền vệ trung tâm hiện đại cần sở hữu bộ kỹ năng toàn diện. Không chỉ điều tiết nhịp độ trận đấu, họ phải biết cầm bóng thoát đi khi đối phương ập vào, biết chuyển bóng xuyên tuyến cho cầu thủ phía trên, biết dẫn bóng đi để tìm khoảng trống và biết đánh chặn từ xa. Nói nôm na, nhiệm vụ của họ là thoát pressing, chia bài, kéo bóng và… đấm nhau.
Đức Chiến là mẫu tiền vệ biết làm điều cuối cùng, dù đối thủ có thể hình tốt đến từ Tây Á. Trong trận hòa Jordan, cầu thủ CLB Viettel nhiều lần chịu va đập để đánh chặn từ xa. Trong tay HLV Park Hang-seo lúc này, không ai làm tốt nhiệm vụ đánh chặn bằng Đức Chiến. Nhưng, anh chưa toát ra khả năng chia bài và kéo bóng.
Đức Chiến và Thanh Sơn đá chính trong sơ đồ 3-4-3, hay theo lời HLV Park là 3-4-2-1. Lường trước nguy cơ chuyển trạng thái nhanh từ Jordan, ông bố trí hai cầu thủ đánh chặn từ xa, trên ba trung vệ. Việt Nam khó lên bóng, phần lớn vì Đức Chiến và Thanh Sơn ít chuyền xuyên tuyến cho bộ ba tấn công. Hai cầu thủ chạy cánh không leo biên và tạt bóng được, khiến hàng công coi như bị cô lập. Việt Nam tung ra chỉ hai pha dứt điểm (so với chín của Jordan) và không cú nào trúng đích trong hiệp một.
Sau trận, HLV Park giải thích về lý do dùng hai tiền vệ đánh chặn rằng: “Việt Nam có nhiều cầu thủ mới, ít kinh nghiệm quốc tế. Nếu thủng lưới sớm, họ dễ mất tinh thần. Mục tiêu của chúng tôi là không thủng lưới trong hiệp một. Đến phút 60 trở đi, khi đối thủ thấm mệt, chúng tôi mới tấn công mạnh hơn”.
Sang hiệp hai, ông rút Thanh Sơn và đưa Đức Chinh vào sân. Việt Nam chuyển về sơ đồ 3-5-2. Quang Hải được đẩy lên cao và gần khung thành hơn. Phút 83, tiền vệ CLB Hà Nội nhận bóng ở cự ly khoảng 35 m, rồi bấm vào cấm địa cho Tiến Linh. Đây có thể coi là đường bóng có nét nhất của Việt Nam trận này, dù Tiến Linh chỉ mang về phạt góc. Kể từ khi được đẩy lên cao hơn, Quang Hải tạo ra ba cơ hội cho đồng đội dứt điểm.
Quang Hải nhận bóng nhiều hơn ở trước cấm địa trong hiệp hai, một phần vì Jordan không còn vây ráp với cường độ cao như trong hiệp một. Muốn phá vỡ ý đồ pressing của đối thủ, ông Park cần tiền vệ thoát pressing, kéo bóng và chia bài như Hùng Dũng, Tuấn Anh. Nhưng ở cấp độ U23, ông chưa tìm ra mẫu tiền vệ toàn diện như vậy. Từ Asiad 2018 đến nay, Quang Hải thường xuyên phải giật về sân nhà để làm bóng cho đồng đội bên kia giới tuyến.
Jordan đã nghiên cứu kỹ các phương án chuyển trạng thái của Việt Nam. Họ luôn ập vào sau Đức Chiến và không cho tiền vệ này đưa bóng cho Hoàng Đức, Quang Hải. Đức Chiến là cầu thủ chuyền bóng thành công nhiều nhất trận, nhưng cầu thủ nhận bóng nhiều nhất từ anh là… hậu vệ Hồ Tấn Tài. Sự kết nối từ Đức Chiến đến Quang Hải phần nhiều là chuyền ngắn, ở sân nhà.
Xét về đánh chặn, Đức Chiến – sở trường trung vệ – có lẽ giỏi hơn Hùng Dũng, Tuấn Anh. Nhưng hạn chế của anh là khả năng phát động tấn công. Thầy Park không còn phương án nào tốt hơn. Thanh Sơn chuyển trạng thái chậm và bị thay ra sau 45 phút. Việt Hưng chia bài ổn, nhưng không đủ to khỏe để đánh chặn từ xa. Trong trận đấu phải thắng trước Triều Tiên ngày 16/1, có thể thầy Park sẽ dùng Việt Hưng trong thời điểm nhất định nào đó.
Tại U23 châu Á 2018, Xuân Trường và Đức Huy kết hợp ăn ý ở giữa sân. Đức Huy thiên về đánh chặn, còn Xuân Trường làm bóng. Khi Xuân Trường mất phong độ ở Asiad, Quang Hải bắt đầu được kéo về cạnh Đức Huy ở những thời điểm quan trọng.
HLV Park Hang-seo đang phải đối mặt quá nhiều vấn đề, không chỉ ở vị trí tiền vệ trung tâm. Hàng thủ thiếu một trung vệ chuyền bóng xuyên tuyến tốt như Quế Ngọc Hải hay Đỗ Duy Mạnh. Hai biên vắng cầu thủ đủ tốc độ để qua người và rót bóng vào cấm địa như Văn Thanh, Xuân Mạnh, Trọng Hoàng hay Văn Hậu.
Việt Nam lại phải trông chờ phép màu của thầy Park, hay nét chấm phá từ kèo trái ma thuật của Quang Hải hoặc Hoàng Đức. Bóng đá Việt Nam đã nhiều lần đi ngược giông bão, và sẽ không bất ngờ nếu tái hiện được kỳ tích.
Xuân Bình – Vnexpress