8h ngày 12/1, khi chiếc xe chở phạm nhân đỗ trước cửa phòng xét xử số 7, TAND Hà Nội, nhiều người đang nói chuyện bỗng dừng lời, chăm chú nhìn cảnh sát mở cửa. Từ trên xe, Đặng Hùng Mạnh đeo còng tay, bị liệt hai chân được hai công an đưa vào ghế bị cáo.
Đầu vẫn cúi gằm, Mạnh lén quay lại nhìn những người ngồi kín 8 băng ghế phía cuối phòng, đầy đủ gương mặt họ hàng, làng xóm, chỉ thiếu bố mẹ và 5 đứa con của mình.
Mạnh bị cáo buộc giết vợ, chị Trịnh Thị Thu Nga, do nghi ngờ không chung thuỷ. Sáng 6/8/2020, Mạnh tra hỏi vợ về tin đồn con trai út, sinh năm 2018, không phải con ruột của mình, song chị Nga không trả lời, dắt xe máy ra cổng. Mạnh chống nạng xuống bếp lấy chiếc đục, giấu vào túi quần rồi đuổi theo, giữ xe, đoạt mạng vợ bằng 8 nhát đâm.
Khi HĐXX thông báo kết quả giám định ADN cho thấy giữa mình và con trai út có quan hệ huyết thống, Mạnh run rẩy nói, gần như khóc: “Bị cáo biết mình sai, tội ác khó tha thứ”.
Cúi đầu suốt phiên xét xử, Mạnh thừa nhận “mù quáng vì ghen tuông”, đẩy vợ vào cái chết, để lại cha mẹ già và con cái bơ vơ. Phía dưới phòng xử vọng lên những tiếng sụt sịt.
Ngày Mạnh bị xét xử, trong ngôi nhà sát bờ sông Hồng ở thôn Bài Nha, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, bà Nguyễn Thị Kỳ, mẹ Mạnh, trở dậy, lúc 4h như mọi sáng, giữa cái lạnh 8 độ C. Bà dém lại chăn cho ba đứa cháu gái rồi xuống bếp, xắn ống áo, băm thân chuối nấu cám lợn. Thấy thoảng mùi nhang từ trên nhà bay xuống, bà biết, ông Minh cũng vừa tỉnh giấc.
Con trai duy nhất hôm nay ra toà nhưng ông bà không thể đến TAND Hà Nội. “Thấy nó, tôi đau lòng mà chết mất”, bà Kỳ, 63 tuổi, khóc, nhắc đến con. Bà bị bệnh tim bẩm sinh, nặng chưa đầy 32 kg nhưng vẫn xin thêm ruộng để cấy, nhận làm thuê khắp huyện.
Khi phiên toà vừa kết thúc, chuông điện thoại của ông Minh vang ngay sau đó. Ông nghe xong rồi run rẩy làm đổ bát cơm trưa đang bón dở cho thằng cháu 2 tuổi. Bà Kỳ nhìn chồng, biết nội dung cuộc điện thoại, miếng cơm trong miệng vẫn đắng ngắt. Mấy đứa cháu gái đang chuyện trò, đồng loạt ngưng bặt, cúi gằm và vội bát cơm ăn dở rồi bưng mâm đi rửa.
Ông Minh nghĩ ngợi một hồi rồi xuống bếp. “Bố 2 đứa bị tù chung thân, bao giờ chết thì người ta mới cho về”, ông nói nhanh với tụi nhỏ rồi tất tả lên nhà, không dám nấn ná lại xem phản ứng, chỉ nghe tiếng “vâng” rất nhỏ buông lại phía sau lưng.
Tròn 20 năm trước, Mạnh bị tai nạn ngã cây, chấn thương cột sống, liệt cả hai chân, 3 năm sau cưới Nga, cô gái cùng xóm. Vợ chồng xin dựng căn nhà cuối xóm, ra ở riêng. Năm đứa trẻ lần lượt ra đời.
Một mình làm hơn mẫu ruộng, vào mùa cấy gặt, Nga thường đội đèn pin ra đồng từ 3h sáng. Xong việc đồng, chị về cơm nước cho chồng rồi quảy quang gánh đi dọc bờ đê, vào gánh gạch thuê cho nhà máy.
Mạnh ngồi xe lăn, vẫn lấy vải về may gia công quần áo tại nhà, xẻ gỗ, làm mộc.
“Bao năm ở riêng, chẳng khi nào tôi thấy vợ chồng nó than vãn, to tiếng chuyện gì” ông Minh lắc đầu, đến nay vẫn không tin được những điều xảy đến với gia đình mình.
Sáng sớm 6/8 hôm xảy ra án mạng, đang cho ba đứa cháu ăn sáng, nghe người hàng xóm báo tin dữ, ông bà chạy vào nhà con trai. Mạnh ngồi bệt giữa sân khóc, hoảng loạn, tay chân loang máu, bên cạnh, Nga đang gấp gáp thở những hơi cuối. Bên cạnh mẹ, đứa con gái 6 tuổi khản cổ khóc…
Từ ngày đó, con bé ngủ quắp chặt lấy bà nội, đêm mơ vẫn khóc nấc, giật mình. Nhưng cũng như các anh chị em còn lại, nó hiếm khi hỏi ông bà về bố mẹ.
Mấy đứa trẻ sớm hiểu chuyện gia đình, chẳng bao giờ đòi hỏi ông bà gì. Bữa cơm bảy người, nhiều khi chỉ có mớ rau với chục trứng gà, nấu xào thành đủ món, nhưng cháu gắp cho ông bà, ông bà lại nhường cho cháu.
Bé Như lên lớp 8, không có máy tính cầm tay để học toán, hôm nào cũng chạy sang mượn chị hàng xóm. Ông Minh biết chuyện, trách sao không bảo. “Nhà mình vẫn nghèo, cháu không dám đòi”, bé gái trả lời.
Ông Minh bảo vài hôm nữa sẽ bán 5 con lợn nái, để ra một ít tiền mua mấy bộ quần áo mới cho các cháu mặc Tết và một cái tivi để bà cháu tối tối đỡ phải chạy sang hàng xóm xem nhờ.
Tầm này mọi năm, con dâu bắt đầu tíu tít hỏi han chuyện sắm Tết nhưng năm nay đã khác hẳn. Vào tháng 8/2020, đám tang con dâu được 4 ngày, đại lý gạch mang tiền vào trả. Vợ chồng Mạnh đặt hai vạn gạch, chưa kịp thực hiện dự định sửa nhà thì xảy ra bi kịch. Căn nhà không người ở, ngày càng đổ nát. Block lịch treo tường dừng lại ở tháng đó, chưa ai xé tiếp.
Rằm, mùng một, ông Minh vẫn dắt con cháu gái 6 tuổi sang nhà châm nhang trên bàn thờ cho mẹ. Có lần, thấy cái xe lăn của bố vạ vật ngoài hiên, đứa cháu quay sang bảo “Ông nội lấy bạt che lại, Tết bố cháu về, còn có cái đi”.
Thanh Lam – Vnexpress