TRỨNG CHỌI ĐÁ?
80 năm về trước, Toyota ra đời. Năm 1903, Henry Ford sáng lập ra hãng xe hơi Ford. BMW? Ra đời vào năm 1916. Còn chiếc Lamborghini đầu tiên xuất hiện vào năm 1971, cũng đã cách đây nửa thế kỷ.
Còn VinFast? Cách đây 2 hôm. Riêng hãng xe được thành lập hơn một năm trước.
Năm 2018, Mercedes có giá trị thương hiệu đạt mức 43,9 tỷ USD, Toyota có giá trị 43,7 tỷ USD. Vậy tài sản của ông Vượng? Theo thống kê mới nhất từ Tạp chí Forbes, khối tài sản ròng mà ông Vượng sở hữu là 6,4 tỷ USD.
Bạn nghĩ gì khi đọc các thống kê trên? Nếu VinFast ra đời để đấu với BMW, với Toyota, hay Ferrari thì chẳng khác gì “trứng chọi đá”. Bạn biết, chẳng lẽ Vin không biết? Vậy VinFast ra đời để làm gì?
1/ Để làm giàu.
Hôm qua có một thông tin như sau “Trong ngày VinFast ra mắt 2 mẫu xe ôtô tại Paris Motor Show, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã tăng 3,6% giá trị giúp ông chủ của tập đoàn này “bỏ túi” thêm khoảng 130 triệu USD.”
Đừng dạy người giàu cách làm giàu.
2/ Để chứng tỏ cho những nước phát triển biết rằng Việt Nam cũng vẫn có thể làm được điều gì?
Hãy nhìn Paris hoa lệ chứng kiến người đàn ông toàn cầu David Beckham đứng đó giới thiệu xe của Việt Nam, cạnh cô gái xinh đẹp mang áo dài. Đấy là vấn đề liên quan đến niềm tự hào dân tộc, là hình ảnh đất nước Việt Nam mới mẻ trước toàn thế giới. Không phải là chiến tranh, đói nghèo, mà là sản xuất ô tô, là vẻ đẹp.
3/ Như đã nói ở trên, VinFast đấu TOYOTA là “Trứng chọi đá”. Vậy sao vẫn phải sinh ra ô tô? Vậy sao lại có giá ô tô cao như thế?
VinFast không thể đưa cái giá rẻ trước mặt Mỹ, Pháp…và cả thế giới, vì điều đó chính là gián tiếp hạ thấp giá trị sản phẩm của Việt Nam: chiếc ô tô nghèo đói.
Nhưng VinFast vẫn phải sống. Vậy là thị trường của VinFast là ở đâu? NỘI ĐỊA là câu trả lời.
Giá bán của VinFast ở nội địa cần phải rẻ hơn 2 cái giá đi khoe thiên hạ. Và đừng có bảo rằng không thể bán được ở Việt Nam, vì thị trường Việt Nam là rất rộng lớn nhưng lại thiếu ô tô giá rẻ do mức thuế nhập khẩu quá cao.
Một ví dụ: 20 năm về trước, nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách ép các hãng xe ngoại phải lập liên doanh 50:50 với doanh nghiệp ô tô Trung Quốc và áp thuế nhập khẩu cao cho xe ngoại. 20 năm sau, Trung Quốc đã có những thương hiệu ô tô nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại. Kể ra đây như Geely – kẻ đã mua 49,9% cổ phần của hãng xe Malaysia Proton (hãng xe ô tô đầu tiên của Đông Nam Á và là bài học mà Vin cần tránh). Hay Changan, Haval …đều là những hãng ô tô máu mặt của Trung Quốc.
Việt Nam giờ có VinFast rồi. Bí quyết tồn tại? Lịch sử là bài học của tiền nhân. Học thành công của Geely và tránh bài học thất bại cả Proton. Như lý luận của bạn khi đi soi mói rằng VinFast là công nghệ Đức, nội thất Ý …, và rằng họ xào nấu thành đồ của họ, và chỉ có tên là Việt. Xin lỗi. Đây là thời đại nào rồi mà đi chứng minh trái đất quanh quay mặt trời? Nhớ cho rằng, KẺ ĐI SAU CÓ LỢI THẾ LÀ DÙNG ĐƯỢC CÔNG NGHỆ CỦA KẺ ĐI TRƯỚC. Người sau không có nghĩa vụ bắt buộc nghiên cứu cái mà kẻ trước đã làm ra giống như bạn đang đòi hỏi. Cái hơn là đi phát triển và biến cái trí thức nhân loại đang nằm đó thành cái của mình. Như chuyện sử dụng mã nguồn mở Android chứ không phải đi chế tạo Android để khoe. Còn muốn nội địa hóa 50%, 100%? Sẽ có ngày đó, nhưng cần đi từng bước. Khi không đi bước 1, ai lại đòi bước 2? Việt Nam muốn giàu, là phải đi tắt đón đầu chứ không phải đi ngồi dưới cây táo để tìm định luật vạn vật hấp dẫn cho bằng người ta.
Tôi sẽ chứng minh cho các bạn bằng cách dùng chính bài học từ Henry Ford – người sáng lập ra tập đoàn ô tô Ford. Sinh thời, ông bị tờ báo Chicago Tribune bôi bác trên mặt báo rằng “Henry Ford là 1 kẻ ngu dốt.” Henry Ford kiện Chicago Tribune ra tòa. Trước tòa, luật sư của Chicago Tribune chứng minh Henry Ford dốt bằng 1 số câu hỏi như: “Cuộc cách mạng Mỹ nổ ra năm nào?”, “Ai là tổng thống trẻ nhất nước Mỹ”…
Henrry Ford không trả lời được. Luật sư tầm thường đó kêu lên: “các vị đã thấy Henry Ford ngu dốt thế nào chưa?”
Henry Ford lạnh lùng trả lời: “Tôi cần gì phải nhớ những điều đó. Vì tôi đã có trợ lý trả lời mấy câu đó.”
Sau đó trợ lý của Ford bước lên, sau lưng trợ lý đó thêm vài người nữa. Tất cả cấp dưới của Ford đã trả lời mọi câu hỏi của vị luật sư ấy.
Điều đó chứng minh gì? Người lãnh đạo xuất sắc không phải là người biết hết, mà là quản lý được những người biết hơn mình. Còn trí óc nên được sử dụng để tư duy, phân tích, chứ không phải là một bộ nhớ nhập số liệu. Đừng nên biến mình thành kiểu mọt sách, rồi đi chê người tư duy không nhớ số liệu là dốt như vị luật sư trên kia. VinFast không có nghĩa vụ phải đi sáng tạo con ốc vít khi có kẻ đã tạo được con ốc vít đã bán ra rồi.
Bạn không thành công bằng họ, chính vì thiếu tư duy mà lại dành hết thời gian, trí óc của bản thân chỉ để đi nhớ cái google đã nhớ, lại hay soi mói, nghĩ cách dìm hàng người khác.
***
Tôi không liên quan gì đến Vingroup, càng không làm việc với họ, nhưng tôi thích khí phách của họ. Thích cái cách họ tiên phong, thích cái cách họ làm lớn, đó là lý do vì sao tôi viết bài này. Và tôi viết còn vì tôi mong chúng ta nên quảng đại hơn. Xin kể câu chuyện cá nhân. Đầu năm 2018, khi Trần Quang Đức – tác giả của “Ngàn năm áo mũ” công bố chân dung Quang Trung. Tôi là người không công nhận bức chân dung đó bằng 2 bài phân tích. Nhưng tôi không xúc phạm anh ta, ngược lại tôi tôn trọng cái khí phách của anh ta. Đứng trước cả một cộng đồng mạng đang đòi xẻ thịt mình, anh ta vẫn bước lên nói rõ niềm tin của mình. Trần Quang Đức là dân nghiên cứu, tôi là dân kể chuyện, tóm lại là không cùng đường. Nhưng giữa một đám đông điên cuồng đang chửi bới, tôi không hề buông lời cay độc với anh ta là bởi tôi trân trọng khí phách đó, là cảm giác muốn kết giao của những người tôn trọng trí thức.
Tôi mong rằng, người Việt Nam chúng ta hãy luôn có một góc nhìn quảng đại, một tinh thần có khí phách. Chứ không phải là sự hèn kém, luồn cúi, nhỏ nhen. Bao nhiêu sản phẩm gây bão dư luận của Việt Nam ra đời, là bấy nhiêu sự hẹp hòi chửi người này, người kia, sản phẩm này, sản phẩm kia của người Việt Nam mình. Hãy ngừng việc thủ dâm qua bàn phím, để ưỡn ngực bước ra cuộc đời và làm một điều tốt. Thôi, việc nhỏ cũng được rồi. Ví dụ như tập tính quảng đại, và nhìn mặt tốt của vấn đề.
//
(Dũng Phan – Tác giả quyển sách Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca)