Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, thời tiết chuyển lạnh khiến nhiều người gặp vấn đề về đường hô hấp, trong đó cảm lạnh, cảm cúm là bệnh dễ mắc ở nhiều lứa tuổi. Tuy việc điều trị không cần đến sự giúp đỡ của kháng sinh nhưng thói quen lạm dụng thuốc để chữa bệnh có thể khiến cho tình trạng kháng kháng sinh lan rộng, virus cảm lạnh, cảm cúm ngày càng diễn biến phức tạp, khó tiêu diệt hơn.
– Trong giai đoạn chuyển mùa, số lượng người mắc bệnh hô hấp nói chung và cảm lạnh, cảm cúm nói riêng như thế nào, thưa bác sĩ?
– Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thời gian gần đây, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân. 80% trong số đó là những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Khi khám và phân loại, số lượng các bệnh liên quan đến đường hô hấp do virus gây ra chiếm 60-70%.
Khi thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa, chuyển lạnh, nhất là tháng 3-4-5 và tháng 11-12, dịch cúm phát triển mạnh, số người bệnh đi khám rất đông. Tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, nhất là những ca kháng kháng sinh khiến cho việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.
– Kháng kháng sinh nguy hiểm ra sao?
– Kháng kháng sinh là khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng chống lại thuốc kháng sinh. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn vì các bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh thay thế, có độc tính cao hơn dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài, không chữa được bệnh.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Đây là lời cảnh tỉnh không chỉ cho người dân mà cả các bác sĩ kê đơn và người bán thuốc, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.
– Nhưng một số trường hợp cảm như đau họng, hắt hơi, sổ mũi khi dùng kháng sinh sẽ thấy đỡ ngay, lý do là gì?
– Thông thường cảm lạnh, cảm cúm, các bác sĩ khuyên không nên dùng kháng sinh, vì đa phần bệnh là do virus, trong khi kháng sinh chỉ hoạt động chống lại vi khuẩn. Dùng thuốc kháng sinh không đúng bệnh, đúng liều có thể làm hệ thống miễn dịch yếu đi, tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển.
Đối với những trường hợp dùng kháng sinh đỡ ngay, có thể là do bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể dùng kháng sinh diệt và kiềm hãm vi khuẩn. Nhưng nếu để cho hệ miễn dịch của cơ thể tự diệt vi khuẩn, tự chữa lành thì tốt hơn là dùng kháng sinh. Lúc này, tất cả những gì bạn nên làm là tăng cường sức đề kháng để cơ thể chiến đấu với bệnh tật. Vậy nên, khi bị cảm lạnh, cảm cúm, tốt nhất là không dùng kháng sinh để điều trị bệnh.
– Bác sĩ nhận định thế nào về việc dùng thảo dược thiên nhiên trị cảm lạnh, cảm cúm?
– Các bạn nên nhớ khi bị cảm lạnh, cảm cúm nên nghỉ ngơi, chăm sóc cơ thể để tăng cường sức đề kháng, chống lại virus gây bệnh. Cá nhân tôi nhận định việc sử dụng thảo dược giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm là điều nên làm vì thảo dược vừa an toàn lại hiệu quả. Hiện nay, người dân theo nhịp sống hối hả nên đôi khi muốn hết nhanh, ví dụ đang sốt cao thì uống thuốc hạ sốt để hết sốt liền. Tuy nhiên, khi mọi người có ý thức hạn chế dùng thuốc kháng sinh thì xu hướng dùng thảo dược lành tính, thiên nhiên sẽ phát triển mạnh.
Hiện đa số các bạn hay sử dụng các phương pháp dân gian tự làm như ngâm chanh đào, pha nước chanh… nhưng nếu có các sản phẩm về thảo dược được nghiên cứu và bào chế tiện dụng thì tôi nghĩ xu hướng dùng thảo dược để phòng ngừa và trị cảm cúm sẽ thành xu hướng mới và đem lại hiệu quả cao hơn.
Kim Uyên – Vnexpress