Cơ hội Mỹ trao cho Trung Quốc ở Trung Đông

Nằm ở độ cao 800 m trên vùng núi Trung Á, Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, thường không được coi là nơi các chính sách quốc tế được đưa ra.

Tuy nhiên, tháng 6 năm ngoái, các lãnh đạo thế giới đổ về Bishkek để dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, liên minh chính trị và an ninh khu vực quan trọng. Những người tham dự bao gồm Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

(Hàng đầu từ trái sang) Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Bishkek tháng 6/2019. Ảnh: AFP.
(Hàng đầu từ trái sang) Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Bishkek tháng 6/2019. Ảnh: AFP.

Đây là lời nhắc nhở về mối quan hệ bền chặt của Tehran với hai cường quốc và điều đó lại được nhấn mạnh khi ba nước tập trận hải quân chung gần eo biển Hormuz ở Ấn Độ Dương vào tháng trước.

Sau vụ Mỹ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, ở Baghdad ngày 3/1, giới lãnh đạo Iran có thể sẽ dựa vào liên minh này để đối trọng với Mỹ.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran cuối tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên án “hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ”, “đi ngược lại các quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế, làm gia tăng căng thẳng và nhiễu loạn trong khu vực”. Tehran hy vọng Bắc Kinh có thể “đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn leo thang căng thẳng khu vực”.

Các cường quốc Trung Đông khác, dù không ưa Tehran, cũng nhiều khả năng có quan điểm tương tự. Vụ Mỹ hạ sát tướng Soleimani khiến các nước Trung Đông e ngại Washington đang trở nên ngày càng khó lường. Vì vậy, Bắc Kinh có cơ hội lớn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, theo ký giả James Griffiths của CNN.

Không giống như Washington, bên thường lên tiếng về vấn đề dân chủ và nhân quyền của các nước khác, Trung Quốc muốn các giải pháp đôi bên cùng có lợi. Họ coi phát triển kinh tế và thương mại là mối quan tâm hàng đầu và điều đó khiến Bắc Kinh trở thành đối tác hấp dẫn với các quốc gia.

Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình mô tả cách tiếp cận này là “náu mình chờ thời”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc dường như cảm thấy “thời của mình đã đến” và chuyển sang hướng can thiệp nhiều hơn, bao gồm tăng bán vũ khí và mở rộng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài.

Trung Quốc có căn cứ ở vùng Sừng châu Phi, Trung Á, Biển Đông và được cho là đang xem xét lập căn cứ ở Pakistan. Bắc Kinh đang thay thế Washington trở thành nhà tài trợ tài chính cho các nước đang phát triển, bên cạnh các thỏa thuận thương mại lớn trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi để thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường.

Nhiều hoạt động diễn ra ở những nơi từ lâu đã nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng Trung Đông đang đóng “vai trò ngày càng quan trọng” khi Trung Quốc muốn vươn lên trở thành siêu cường mới, theo phân tích cho Viện Chính sách Xã hội châu Á của chuyên gia Lindsey Ford và Max Hill. 

“Mặc dù Trung Quốc vốn tăng cường hiện diện ở Trung Đông vì các tính toán kinh tế, việc này cũng mang lại những cơ hội địa chính trị chiến lược cho Bắc Kinh”, họ viết. 

Cơ hội Mỹ trao cho Trung Quốc ở Trung Đông
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Thượng Hải tháng 5/2019. Ảnh: Reuters.

Trung Đông là nơi chính trị được định hình bởi sự cạnh tranh giữa cả các cường quốc địa phương và quốc tế, nên các nước không thể dễ dàng duy trì chính sách trung lập tại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ với các đồng minh truyền thống như Iran và Syria, đồng thời cải thiện quan hệ với các đối thủ của Iran và Syria như Arab Saudi, Israel và UAE. Bắc Kinh cũng sử dụng tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để kiềm chế những nỗ lực quốc tế chống lại Tehran và Damascus mà Washington muốn thực hiện.

Các đối thủ của Tehran có thể “cau mày” trước việc Bắc Kinh không chịu bỏ rơi đồng minh cũ để kết giao đồng minh mới, nhưng chính sách này sẽ được hoan nghênh hơn nhiều sau cái chết của Soleimani. Khi Trung Đông có nguy cơ nổ ra cuộc xung đột mới hay ít nhất là một giai đoạn leo thang căng thẳng gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, lợi thế của Bắc Kinh là họ “chơi” được với tất cả các bên.

Chuyên gia Jonathan Fulton viết trong phân tích cho Hội đồng Đại Tây Dương, rằng lợi ích của Bắc Kinh “nằm ở một Trung Đông ổn định và từ lâu người ta đã cho rằng Trung Quốc sẽ phải đóng một vai trò an ninh nào đó ở đây”.

“Trung Quốc không muốn định hình lại Trung Đông và nhận trách nhiệm bảo vệ nơi đây. Họ muốn một khu vực ổn định, dễ đoán, nơi họ có thể giao dịch và đầu tư”, Fulton nói thêm. “Khi giết Soleimani, Trump đã làm điều này khó có thể duy trì. Trong ngắn hạn, căng thẳng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và khiến nhiều người gặp rủi ro. Tuy nhiên, về lâu dài, động thái này có thể khiến Trung Quốc tăng quyền lực và ảnh hưởng ở Trung Đông vì họ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo lợi ích tại khu vực”.

Nhiều người chơi trong khu vực sẽ hoan nghênh vai trò đó của Trung Quốc. Sự tương phản giữa chính sách của Trung Quốc và Mỹ đã được thể hiện rõ ràng: trong khi Trump dọa tấn công di sản văn hóa của Iran, Bắc Kinh kêu gọi các bên bình tĩnh.

“Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ là cường quốc dẫn đầu không chỉ ở Trung Đông mà trên toàn cầu. Khi Trung Quốc ngày càng thách thức vị thế của Mỹ, Trung Đông nhiều khả năng là đấu trường then chốt cho sự cạnh tranh này”, Griffiths viết.

 Phương Vũ (Theo CNN) – Vnexpress