7h sáng 2/2, tiếng báo thức vang lên, các bạn nhỏ lớp 3E trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng bố hoặc mẹ và cô giáo dậy vệ sinh cá nhân, rồi tập thể dục – hoạt động mà 2 ngày trước các bạn bắt đầu được hướng dẫn làm trong khu cách ly.
Cho học sinh tập thể dục xong, cô Vương Thị Hồng Lệ, giáo viên chủ nhiệm lớp đi hỏi thăm sức khỏe, tinh thần của các học sinh sau 3 ngày tại khu cách ly. May mắn, mọi chuyện đã tốt hơn ngày đầu rất nhiều. Không còn những tiếng khóc nhớ nhà, những ánh mắt hoang mang vì bị gọi dậy lúc nửa đêm để đi cách ly.
“So với những ngày đầu, mọi người đã quen với cuộc sống trong khu cách ly. Tâm lý của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh đều thoải mái sau khi có kết quả âm tính lần 1”, cô Lệ nói.
Sắp xếp cho các em ăn sáng xong, cô trở lại phòng, cầm chiếc điện thoại gọi cho chồng ở nhà. Tiếng chuông vang lên, bên kia điện thoại hình ảnh chồng con xuất hiện, cô nở nụ cười. Đã xa gia đình 3 ngày, cô giáo cảm thấy nhớ đứa con nhỏ ở nhà.
Ngồi nhớ lại tối 30/1, cô Lệ đang cho con ngủ thì nhận được tin nhắn của nhà trường về trường hợp học sinh lớp mình dương tính nCoV.
Trước đấy, bố của học sinh này nhiễm Covid-19. Khi biết tin, cô cùng một số giáo viên và phụ huynh khác đã chuẩn bị tâm lý, chủ động thu gom đồ đạc để sẵn sàng thực hiện cách ly. Tuy nhiên, họ vẫn mong cậu bé có kết quả âm tính.
Khi nhận được tin học sinh dương tính, cô giáo chủ nhiệm không tránh khỏi hoảng loạn, 56 học sinh trong lớp bỗng chốc trở thành F1, bản thân cô cũng vậy. Nhìn đứa con nhỏ đang ngủ, cô Lệ càng thêm lo, liệu bản thân mình có nhiễm bệnh hay không, rồi mọi người trong gia đình nữa.
Gác lại lo lắng, gửi con cho chồng, cô giáo chuẩn bị đồ lên trường Xuân Phương cách ly ngay trong đêm, còn rất nhiều học sinh đang cần mình.
Ở trường, một số phụ huynh, học sinh đã có mặt. Nhiều em khi nghe tin phải cách ly 21 ngày, đã khóc rất nhiều. Các cô cậu học trò tiểu học của cô mắt đỏ hoe, nép vào lòng bố mẹ.
“Các em còn nhỏ, sợ phải ở một mình trong khu cách ly, phải xa gia đình, xa người thân”, cô Lệ chia sẻ.
Bản thân cô giáo dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng bắt gặp hình ảnh học sinh khóc cũng không tránh khỏi lo lắng. May mắn nhà trường sắp xếp cho mỗi học sinh đều có bố hoặc mẹ vào cùng, để các em ổn định tâm lý hơn. 8 tuổi, các em còn quá nhỏ để sống xa bố mẹ trong 21 ngày, nhất là những ngày Tết.
Khi học sinh và phụ huynh có mặt đông đủ, mọi người bắt đầu được phân phòng. Học sinh nam ở với bố, nữ ở với mẹ, mỗi phòng có 4 cặp. Mọi người cùng nhau kê bàn học thành giường ngủ, chăn, gối dùng khi ở bán trú của các con được mang ra sử dụng.
Phòng học thân thuộc mọi ngày trở thành nơi sinh hoạt, ngủ, nghỉ của học sinh. Không còn những buổi giảng bài, tiếng phát biểu, dù cả lớp đang ở cùng nhau, cô giáo trẻ có đôi chút không quen.
2h sáng 31/1, cô đi từng phòng đánh thức học sinh, phụ huynh dậy để lấy mẫu xét nghiệm. Các em còn ngái ngủ được bố mẹ đưa đến phòng lấy mẫu. Chiếc que lấy dịch đưa vào mũi, vào họng, nhiều em nhăn mặt, nhưng không khóc. Các em được bố mẹ hướng dẫn phần nào đã yên tâm hơn.
Lấy xong mẫu xét nghiệm, mọi người trở về phòng, các em chìm vào giấc ngủ, trong khi phụ huynh cùng giáo viên trải qua một đêm mất ngủ.
Trường học hàng ngày nơi các em học tập, chơi đùa bỗng chốc được rào sắt chắn vòng trong vòng ngoài. Người thân đến đưa đồ chỉ có thể đứng từ xa nhìn, có nhà chỉ cách 1-2 km nhưng phải mỗi người một nơi.
Cách ly phòng Covid-19 vào thời điểm Tết nguyên đán cận kề, không chỉ riêng cô giáo Lệ mà toàn bộ mọi người trong khu cách ly đều đã xác định sẵn sàng đón một cái Tết xa nhà.
Hàng ngày thực phẩm được cung cấp vào để phục vụ mọi người trong khu cách ly, các y bác sĩ đo nhiệt độ thường xuyên nên mọi người đều cảm thấy yên tâm hơn.
“Cơ sở vật chất tốt, sạch sẽ, đồ dùng dụng cụ đầy đủ, có các phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp nên việc đón Tết trong khu cách ly này không quá tệ. Chỉ cầu mong mọi người bình an là đủ rồi”, cô Lệ nói.
Để có thêm không khí ngày Tết, phụ huynh và giáo viên trong khu cách ly dự tính sẽ chuẩn bị một vài chương trình, trò chơi nho nhỏ: “Có thể tổ chức cho các em làm phong bao lì xì, thiệp chúc mừng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch an toàn, đầy đủ”, cô Lệ chia sẻ.
Bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết hiện nay trong khu cách ly có 118 người. Trong đó, 56 cháu thuộc diện F1 được cách ly tại trường, 2 cháu con giáo viên, 46 phụ huynh, 11 giáo viên, 3 nhân viên. Mỗi phòng được bố trí 4 học sinh và 4 phụ huynh. Lãnh đạo nhà trường quyết định ở trong trường cùng 118 người cách ly, sẵn sàng 24/24 hỗ trợ các em học sinh, phụ huynh.
“Hiện tại hầu hết các con tâm lý đều đã thoải mái sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1”, cô Lan nói.
Mỗi ngày, sau khi các con ngủ dậy sẽ tự tập thể dục theo hướng dẫn của bố mẹ. Các hoạt động tiếp theo là ăn sáng rồi đọc sách, đọc truyện…
Sau 3 ngày cách ly, nhà trường nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các đơn vị, gửi tặng đồ chơi như gấu bông, bánh kẹo để cổ vũ thêm tinh thần cho các em chống dịch.
Bên cạnh ổn định tinh thần cho học sinh, nhà trường luôn nhắc các con đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đăng Khoa – Ngoisao.net