Chuyện tình ở tuổi 70 của người đàn ông Mỹ và vợ Việt

Tám tháng ở Việt Nam, 3 lần ông Anthony bị cấp cứu do không hợp khí hậu, song ông quyết chỉ về Mỹ khi đón được bà Mỹ Hạnh theo cùng.

Hạ cọ vẽ, bà Mỹ Hạnh, 64 tuổi, đang nhìn lại bức tranh mình vừa hoàn thiện thì ông Anthony T. Costanz bước lại quàng tay qua vai vợ, cùng ngắm tranh và liên tục cất lên những lời khen. Qua video, ông khoe gần 50 bức tranh trên tường phòng khách và tất cả quần áo ông đang mặc, đều là… vợ làm.

Với Anthony, người vợ Việt này còn trên cả những gì ông mong đợi. “Tôi luôn ao ước lấy được một người giỏi nữ công gia chánh và hiền hậu như mẹ”, người đàn ông 70 tuổi, gốc Italy, theo gia đình tới Mỹ lập nghiệp ở vùng cảng cá Monterey, California, chia sẻ. Tuy nhiên, qua hai cuộc hôn nhân thất bại, ông đành ở vậy nuôi nấng con trai bằng nghề kinh doanh.

Ông Anthony và bà Mỹ Hạnh trong sinh nhật 63 tuổi của bà, tại nhà của họ ở Monterey, California. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông Anthony và bà Mỹ Hạnh trong sinh nhật 63 tuổi của bà, tại nhà của họ ở Monterey, California. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cách nửa vòng trái đất, bà Mỹ Hạnh cũng có một cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn từ năm 24 tuổi, ở vậy và làm gia sư tiếng Pháp, tiếng Anh nuôi hai con. Khi con cái trưởng thành, có gia đình riêng, chỉ còn lại một mình bà trong căn hộ cũ rộng 24 m2 nhưng luôn có cảm giác trống trải.

Noel năm 2015, bà Hạnh ngồi một mình, thẫn thờ cả tiếng rồi “chọn đại” một tài khoản mạng xã hội có ảnh đại diện là người đàn ông với bộ râu trắng như tuyết. Chát được hai câu, họ chuyển qua nói nói chuyện video để hiểu nhau hơn. “Ông ấy với vẻ ngoài như ông già Noel, lại xuất hiện đúng đêm Giáng sinh làm tôi thấy thật là kỳ diệu”, bà Hạnh nhớ lại. Người này chính là ông Anthony.

Quen nhau được một tuần, ông Anthony đặt vé sang Việt Nam. Khi đó ông 65 tuổi và lần đầu bay một chuyến dài hơn 20 tiếng, đến Sài Gòn đúng dịp Tết cổ truyền.

Hai tuần đầu, bà Hạnh dẫn ông đi thăm thú một số nơi. Sang tuần thứ ba, bà mời ông về căn chung cư của mình ở quận 1. Ông Anthony cũng thành “khách mời danh dự” trong các buổi dạy tiếng Anh của người bạn già. Sống chung, ông mê mẩn sự trẻ trung, hiền lành và đặc điểm “không dùng mỹ phẩm” của bà. Bà Hạnh cũng nhận ra ông “thật thà và dễ tin người” đến độ nhờ bà giữ hộ toàn bộ tiền mang theo. “Ba tuần ngắn ngủi không đủ để hiểu rõ về nhau, nhưng chúng tôi đã phải lòng nhau”, bà bộc bạch.

Trước ngày quay về Mỹ, ông Anthony dắt bà Hạnh đi mua một chiếc nhẫn để đính ước. “Cô ấy chọn chiếc nhẫn đơn giản và rẻ nhất, chỉ 36 đôla. Tôi đã vô cùng bất ngờ”, Anthony kể.

Bà Hạnh và các con hay gọi ông Anthony là Ông già Noel hay Santa. Đây là bức tranh bà Hạnh vẽ về chuyện tình yêu của hai người.
Bà Hạnh và các con hay gọi ông Anthony là “Ông già Noel” hay “Santa”. Đây là bức tranh bà Hạnh vẽ về chuyện tình yêu của hai người.

Anthony dành toàn bộ một tháng rưỡi sau đó để làm hồ sơ bảo lãnh bà Hạnh sang Mỹ. “Tôi chỉ mong nhanh gặp lại. Nghĩ đến cô ấy là tôi thấy đau tim”, ông chia sẻ. Cuối tháng 2, người đàn ông Mỹ quay trở lại Việt Nam. Lần này ông ở cùng bà như một người chồng Việt thực thụ, dù phải đối mặt với những thử thách như không hợp khẩu vị đồ ăn hay nỗi sợ hãi đối với giao thông ở Việt Nam.

Song khó khăn lớn nhất đối với Anthony là không gian sống. Ở Mỹ, ông sống ở vùng ôn đới, ở nhà có sân vườn rộng 300 m2, nay phải chôn chân trong căn hộ 24 m2 cùng với bà Hạnh, con trai lớn và gia đình con gái nhỏ. Có lần ông đã thắc mắc: “Sao em phải chăm lo từ đời con sang đời cháu?”. Bà giải thích: “Tôi là người phụ nữ thế hệ 5X truyền thống, sống vì con vì cháu”. Từ đó ông không hỏi thêm gì nữa.

Ở cùng bà, ông có căn phòng riêng nhỏ cỡ 8 m2. Trời nóng khiến ông vã hôi như tắm, phải cởi trần suốt cả ngày. Mỗi chiều, bà Hạnh thường cùng ông ra ngoài đi dạo, ngặt nỗi chỉ có thể loanh quanh khu vực chợ Bến Thành cạnh nhà, hít đủ khói bụi. Một đêm tháng 6, cả gia đình bà Hạnh hoảng hốt khi thấy ông bị khó thở, huyết áp tăng cao. Không thể bế được “ông Santa khổng lồ” này, con trai và con rể bà Hạnh đặt ông lên một chiếc ghế có bánh xe đưa đi cấp cứu. Hơn 20 năm “gà trống nuôi con”, nay ốm đau được người phụ nữ Việt chăm sóc, khiến Anthony cảm giác như “được mẹ chăm thuở nhỏ”. Đợi ông khỏe hẳn, bà Hạnh và các con khuyên nên trở về nước. Song ông nhất quyết không về. “Tôi biết tính cô ấy không ham định cư Mỹ. Cô ấy quyến luyến con cháu lắm. Nên tôi có thể chắc chắn nếu mình về nước thì không biết bao giờ cô ấy mới sang”, ông giải thích.

Chấp nhận ở lại đồng nghĩa ông phải tiếp tục sống trong điều kiện ăn ở thiếu thốn. Hết hạn visa mà bà Hạnh vẫn chưa được gọi phỏng vấn, ông Anthony đành đi du lịch sang Campuchia, sau đó nhập cảnh lại Việt Nam chứ không về nước. Ba tháng tiếp theo đúng đợt nắng nóng cao điểm. Người đàn ông Mỹ nhốt mình trong phòng điều hòa nhiều hơn và phải đi cấp cứu thêm hai lần nữa.

Khi ông tỉnh lại, bà Hạnh ngồi bên giường khóc lóc, cố gắng khuyên ông về nước đi. “Tôi hứa chắc chắn sẽ sang”, bà nói. Giọng ông yếu mà cương nghị: “Anh chờ đón được em mới trở về”.

Ở quê nhà, bạn bè và con trai liệt kê đủ rủi ro để khuyên ông trở về. Con trai ông, anh Tom Costanza, 28 tuổi, khuyên không được nên giận bố và giận luôn cả bà Hạnh. Sau này khi bà Hạnh sang, suốt nửa năm đầu anh không thân thiện, có ăn cơm chung cũng “im như thóc”. Mãi sau này, ngày ngày chứng kiến bà Hạnh chăm bố, biến khu vườn trống trơn thành vườn hoa xinh đẹp thì anh chàng mới thay đổi.

“Giờ thì con đã hiểu sao bố nhất quyết ở lại Việt Nam”, một ngày anh chàng nói. Từ đó Tom và bà Hạnh thành một đội. Hễ muốn khuyên bố ăn kiêng hay vay mượn gì đó, anh đều nhờ bà Hạnh tác động vì biết bố chỉ nghe lời bà.

Ông Anthony, bà Hạnh cùng con và cháu gái bà tại , trong lần về nước hồi tháng 3/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông Anthony, bà Hạnh cùng con và cháu gái bà tại , trong lần về nước hồi tháng 3/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hết hạn visa lần hai, Anthony lại đưa bà Hạnh đi du lịch Campuchia một lần nữa để được cấp visa lần 3. Ngày 20/9/2016, bà được lãnh sự quán Mỹ gọi phỏng vấn, một tuần sau thì nhận được visa Mỹ. Ngay tối hôm đó ông Anthony đặt vé máy bay về nước, lịch bay là chiều ngày hôm sau. “Tôi rời Việt Nam quá mau, không kịp trở tay. Nhưng vì ‘ông Santa’ đã ở Việt Nam 8 tháng chờ đợi nên tôi chiều theo ông ấy”, bà chia sẻ.

Ngày 28/9, bà Hạnh, khi đó 60 tuổi, ôm chặt 2 đứa con, 5 đứa cháu nhiều lần. Phía sau là quê hương với bao gương mặt thân thuộc, phía trước là vùng đất hoàn toàn mới, ngoài “ông Santa”, bà chẳng biết một ai. “Hãy xem như một chuyến du lịch nhé mẹ. Nếu không thích nữa thì về với các con”, lời hai người con vẫn văng vẳng bên tai bà Hạnh khi máy bay đã cất cánh.

Chị Hương Trinh, 40 tuổi, con gái bà Hạnh kể, chính quãng thời gian ông Anthony cùng sinh hoạt trong căn nhà chật chội, chị và anh trai đã nhìn ra ông là hiền lành, dễ tính và yêu thương mẹ thật lòng. Đặc biệt họ tin tưởng mẹ mình, vốn vui vẻ, lạc quan và nhiều tài vặt, sẽ không khó để thích nghi môi trường mới.

Sống với nhau ở Mỹ tròn 4 năm, đôi vợ chồng già thấy họ như được sinh ra cho nhau. Cả hai đều là người dễ ăn uống, tin người và hay mua đồ lặt vặt khi xem quảng cáo. Ông Anthony tạo niềm vui cho bà bằng việc mua nhiều mô hình lắp ghép, màu vẽ, máy may, vải vóc, đồng thời mở một trang web, đăng tải quảng cáo để vợ có thể kiếm tiền bằng cách nhận hàng may, sửa đồ, đan móc. Đến nay bà Hạnh đã có một số lượng khách hàng ổn định. Người đàn ông Mỹ cũng vừa trải qua một ca phẫu thuật giảm cân, để có thể sống lâu hơn bên vợ.

Khoảng 3 tháng sau khi sang Mỹ, ông Anthony dẫn bà Hạnh tới ngân hàng chuyển các tài khoản thành đứng tên hai vợ chồng. Hôm đó ông lấy ra một hộp trang sức, bên trong là tất cả nữ trang mẹ ông để lại, nay tặng cho người vợ Việt, như để bù lại chiếc nhẫn đơn sơ ngày đính ước…

“Tôi đã hứa đưa em sang đây là sẽ đảm bảo cho em về kinh tế, để có em bên cạnh, cùng nghỉ hưu với tôi”, lời ông Anthony hứa thời mới yêu, giờ ông vẫn đang cùng bà thực hiện.

Phan Dương – Vnexpress