Tiến sĩ Hùng, đồng lãnh đạo Chương trình Nghiên cứu Sức khỏe người và động vật, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Kenya. Ông tham gia nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập, đã tới Vũ Hán, Trung Quốc, từ ngày 13/1 để tìm hiểu về nguồn gốc của nCoV.
Chia sẻ với chiều 17/1, tiến sĩ Hùng, đang cách ly ngày thứ 5 sau nhập cảnh Vũ Hán, cho biết: “Covid-19 gây ra hậu quả quá lớn. Nếu tìm được nguồn gốc virus gây bệnh, chúng ta sẽ hiểu thêm về đại dịch, giúp kiểm soát đại dịch và phòng trừ tốt hơn các dịch bệnh trong tương lai”.
Tiến sĩ Hùng không tiết lộ nhiệm vụ cụ thể của mình trong đoàn điều tra. Ông cho biết tham gia đoàn với tư cách là chuyên gia về đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm các chợ truyền thống và sinh thái bệnh truyền lây giữa động vật và người.
Ông chia sẻ từng hai lần tới Vũ Hán công tác, lần này mang “cảm giác khác”.
“Đây không phải công việc nghiên cứu thuần túy như tôi từng làm trước đây, mà là công việc trong hoàn cảnh đặc biệt”, ông nói. Nhóm sẽ điều tra thực địa, đến chợ hải sản Hoa Nam, thu thập tài liệu, làm việc với các cơ quan, điều tra hoàn cảnh của người dân… để thu thập các thông tin cần thiết về nguồn gốc nCoV.
Theo WHO, kế hoạch tìm hiểu nguồn gốc nCoV của phái đoàn được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (nghiên cứu ngắn hạn) tìm hiểu rõ hơn về cách virus xâm nhập và lây lan tại Vũ Hán. Đây cũng là nhiệm vụ chính của nhóm chuyên gia. Đoàn sẽ cân nhắc mọi giả thuyết đặt ra và dựa vào các thông tin, bằng chứng khoa học để đưa ra dữ liệu chính xác nhất.
Dựa trên cơ sở và tài liệu khoa học đó, nhóm chuyên gia tiếp tục giai đoạn 2 (nghiên cứu dài hạn).
Cụ thể:
Ở giai đoạn 1, các nhà khoa học đánh giá sâu hồ sơ bệnh án, bao gồm ảnh chụp CT, mẫu bệnh phẩm (nếu có) của các trường hợp dương tính nCoV trước tháng 12/2019. Tiếp đến, họ xem xét xu hướng phát triển của Covid-19 khi dịch bệnh chưa bùng phát, so sánh với cùng kỳ các năm trước đó. Phái đoàn WHO cũng phỏng vấn sâu người từng mắc Covid-19, tìm hiểu các ca tử vong và nguyên nhân liên quan, nghiên cứu huyết thanh học dựa trên mẫu máu.
Sau đó, họ kiểm tra các yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, thực hiện phân tích bổ sung nếu cần thiết, dựa trên dữ liệu trước đó. Các nhà khoa học cũng lập bản đồ hoạt động, mặt hàng giao dịch và chuỗi cung ứng động thực vật, sản phẩm có liên quan tại chợ hải sản Hoa Nam cùng các khu chợ khác của Vũ Hán. Họ sẽ xét nghiệm các mẫu nước thải đông lạnh thu thập trước tháng 12/2019.
Trong giai đoạn 2, nhóm chuyên gia sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn, chi tiết dựa trên kết quả và bằng chứng khoa học tìm được ở giai đoạn 1. Điều này giúp xác định rõ hơn phạm vi nghiên cứu của giai đoạn 2. Họ muốn đánh giá chuyên sâu về dịch tễ, virus, huyết thanh học ở người dân, quần thể động vật trong các khu vực địa lý cụ thể, trước và sau khi dịch bệnh bùng phát.
Theo lịch trình làm việc, nhóm duy trì tương tác thường xuyên để chia sẻ các phát hiện liên quan đến nguồn gốc nCoV từ Trung Quốc và các khu vực khác. Những tài liệu này sẽ đóng góp vào nghiên cứu giai đoạn 1 khi cần thiết. Tiếp đến, các chuyên gia thăm, khảo sát thực địa và xây dựng kế hoạch dài hạn (giai đoạn 2).
Hiện đoàn chuyên gia trong thời gian cách ly 14 ngày tại khách sạn, sau nhập cảnh. Tuy nhiên, công việc của họ không bị gián đoạn. Nhóm thường xuyên làm việc trực tuyến, lên kế hoạch các công việc cần làm để có thể bắt tay vào việc nhanh nhất khi hết thời hạn cách ly.
Tiến sĩ Hùng cho biết “không thể kỳ vọng sẽ hiểu được ngọn ngành nguồn gốc của nCoV trong đợt điều tra này”.
“Đó là công việc khó khăn và cần nhiều thời gian. Song tôi mong sẽ tìm ra các thông tin hữu ích để hiểu thêm về nguồn gốc nCoV và định hướng cho giai đoạn hai của nghiên cứu”, tiến sĩ Hùng nói.
Chi Lê – Thục Linh – Vnexpress