Chuyên gia nói gì về bệnh nhân ‘siêu lây nhiễm’?

Liệu một người bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm cho hàng chục người khác không? Trên thực tế có nhiều nhân tố tác động khiến một người bệnh có thể lây lan cho nhiều người khác.
Chuyên gia nói gì về bệnh nhân ‘siêu lây nhiễm’? - Ảnh 1.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố London, Anh – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, khái niệm “các bệnh nhân siêu lây nhiễm” (super-spreaders), chỉ những người bệnh có thể lây bệnh cho nhiều người hơn so với tỉ lệ lây nhiễm thông thường, đã xuất hiện trong các dịch bệnh trước như SARS và MERS.

Không phải khái niệm khoa học

Ông Amesh Adalja, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện tại Đại học John Hopkins (Mỹ), cho rằng thuật ngữ này không phải thuật ngữ khoa học và cũng chưa có một số lượng lây nhiễm nào được đặt ra để định nghĩa về một bệnh nhân siêu lây nhiễm.

“Tuy nhiên nhìn chung, thường thì đó sẽ là con số lớn hơn đáng kể khi so với số lượng người bị lây nhiễm của những cá nhân khác”, ông Amesh Adalja nói.

Sẽ có một loại những biến số chi phối tới chuyện một người bệnh có thể lây nhiễm cho bao nhiêu người, từ việc họ có thể phát tán virus với tốc độ nhanh như thế nào, cho tới chuyện họ có tiếp xúc gần với bao nhiêu người.

Theo Hãng tin AFP, tỉ lệ lây nhiễm thông thường của SARS-CoV-2 hiện nay trung bình là một người có thể lây nhiễm cho 2-3 người.

Tuy nhiên kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tới nay đã có ít nhất 2 người bệnh được xếp vào diện bệnh nhân siêu lây nhiễm.

Một người trong đó là bệnh nhân người Anh. Anh này dự hội nghị ở Singapore về, sau đó tới trượt tuyết ở núi Alps. Có vẻ như anh đã lây bệnh cho hơn 12 người khác. Anh này đã bình phục, nhưng rất có thể còn lây bệnh cho 5 người khác sau khi đã về nhà.

Tại Hàn Quốc, nơi có hơn 8.000 người bệnh COVID-19, một phụ nữ được gọi là bệnh nhân số 31 cũng được xếp vào diện bệnh nhân siêu lây nhiễm khi đã lây cho hàng chục người khác.

Tuy nhiên có một thực tế, trong thế giới siêu kết nối như hiện nay, thật khó để phân định rạch ròi, quả quyết về mối liên hệ giữa các ca bị lây nhiễm bệnh với một cá nhân cụ thể.

“Có thể tồn tại trường hợp chúng ta gọi là các bệnh nhân siêu lây nhiễm, những người bệnh không chỉ lây nhiễm cho 2-3 người mà lây cho hàng chục người” – ông Eric Caumes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris (Pháp), nói.

“Vấn đề là chúng ta đang không phát hiện ra họ”, ông tiếp.

Còn theo ông Olivier Bouchaud – trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Avicenne ở ngoại ô Paris, tỉ lệ lây nhiễm sẽ thay đổi tùy thuộc mức độ phát tán virus của người bệnh sau khi nhiễm.

“Đó chỉ là một giả thuyết lúc này – ông nói – Rõ ràng chúng ta không có sự giải thích rõ ràng, và không có gì cụ thể với bệnh COVID-19”.

Chuyên gia nói gì về bệnh nhân ‘siêu lây nhiễm’? - Ảnh 2.
Du khách đeo khẩu trang chụp hình tại một điểm du lịch ở Ý – Ảnh: SKY

Nhiều chuyên gia còn ngần ngại

Còn một vấn đề vẫn chưa thể hiểu hết là vai trò của trẻ em, nhóm ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong dịch bệnh này nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Đây là một phần của lý do khiến nhiều nước quyết định đóng cửa trường học những ngày qua.

Trong khi đó, theo bà Cristl Donnelly – giáo sư ngành thống kê ứng dụng tại ĐH Oxford, mọi sự lây nhiễm bệnh về bản chất là “rất đa dạng”.

“Chúng ta không ai giống ai, chúng ta khác biệt về hệ miễn dịch, về hành vi, và khác cả về những nơi ta tới – bà nói – Tất cả những thứ này có thể tác động đến việc chúng ta sẽ lây bệnh cho bao nhiêu người”.

Ông Bharat Pankhania, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Exeter của Anh, thậm chí còn tranh luận có hay không chuyện tồn tại bệnh nhân siêu lây nhiễm.

Ông Bharat Pankhania cho rằng những nhân tố lớn nhất quyết định sự lây nhiễm bệnh thuộc về môi trường, vấn đề này càng tồi tệ hơn ở những thành phố đông dân.

“Những tình huống này rất thường xuyên: các đám đông, không gian chật chội với hệ thống thông khí kém, kiểm soát lây nhiễm không tốt, rất nhiều bề mặt cứng có thể giữ cho virus tồn tại lâu hơn, độ ẩm xung quanh thuận lợi và người nhiễm bệnh thường ở giai đoạn đầu của bệnh khi virus vẫn chưa phát tác”, ông Bharat Pankhania phân tích.

Chính vì những nhân tố cùng tác động này mà nhiều chuyên gia hiện vẫn còn ngần ngại khi bàn về vấn đề bệnh nhân siêu lây nhiễm.

Bên cạnh đó, như bộ trưởng y tế Pháp đã chỉ ra, việc sử dụng thuật ngữ này có thể gây tâm lý kỳ thị với những người bệnh, trong khi rất nhiều khi họ không hay biết mình đã lây bệnh cho người khác.

Theo D. KIM THOA – Tuổi Trẻ