Đánh giá tổng quan về nguồn nhân lực và lao động nghề du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho hay: “Lực lượng lao động tăng lên đáng kể theo sự phát triển của ngành. Năm 2017, cả nước có trên 2,5 triệu lao động du lịch. Năm 2019, ước tính lao động ngành du lịch đạt trên 3,07 triệu lao động, trong đó có khoảng 1,023 triệu lao động trực tiếp và 2,047 triệu lao động gián tiếp”.
Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Lao động còn thiếu, yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tin học… Trong giai đoạn 2015 – 2019, chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, 55% lao động còn lại thiếu kỹ năng, nghiệp vụ. Về phân bố nguồn nhân lực, số lượng lớn lao động được đào tạo bài bản đều tập trung ở các thành phố lớn, còn các địa phương chủ yếu sử dụng lao động chưa được đào tạo về nghề.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn – Tổng cục Du lịch, cho rằng, các cơ sở lưu trú xếp hạng 4 – 5 sao có chất lượng lao động nghề ổn định hơn, các cơ sở mới thành lập gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, xây dựng nhân sự có đủ kỹ năng nghề. Năm 2019, lực lượng lao động chỉ đáp ứng 80% nhu cầu với công suất trung bình 53%, định mức 0,6 lao động/ buồng.
“Chúng ta cần có chất lượng nhân lực đúng với yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới, vì sau Covid-19, phần lớn người thạo nghề đã phải chuyển việc. Cần phải tính toán khắc phục lỗ hổng nhân sự, để ngay khi khách quay lại chúng ta vẫn có thể giữ được chất lượng phục vụ”, bà Bình thêm.
Bà Bình cũng cho rằng một trong những lý do khiến chất lượng lao động chưa cao là do công tác đào tạo còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu xã hội về nhân lực nghề, chưa có giáo trình thống nhất theo chuẩn chung. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở đào tạo còn thiếu, lạc hậu so với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thiếu giáo viên tay nghề cao, lực lượng giáo viên không đồng đều giữa các trường dẫn đến nhân lực đầu ra thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu kỹ năng, chưa theo kịp yêu cầu của ngành trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về giải pháp nâng cao cấp lượng đào tạo, Giáo sư Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch, cho rằng có 7 cách thức. Theo đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng cho tất cả ngành nghề du lịch, đảm bảo tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giảng dạy; xây dựng giáo trình giảng dạy đầy đủ và chuẩn mực. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch; đảm bảo nội dung chương trình đồng đều, điều kiện giảng dạy và học tập như nhau giữa hình thức đào tạo tập trung hoặc không tập trung; đa dạng hóa cách thức, phương pháp đào tạo; vận dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nghề.
Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Trung Hà, từ Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus, đề xuất thành lập Hội đồng quản lý đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực nghề du lịch; và Hội đồng nghề du lịch quốc gia để tạo cơ chế pháp lý cho đánh giá năng lực nghề.
“Những năm tới, Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân sự sẽ góp phần đưa du lịch Việt Nam sớm phục hồi, tăng năng lực cạnh tranh trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định.
Các ý kiến trên được đóng góp trong hội thảo “Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam” do Tổng cục Du lịch tổ chức vào ngày 6/10. Chương trình có sự tham gia của gần 150 nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các trường, cơ sở dạy nghề và hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Hội thảo đưa ra các đánh giá về hiện trạng lao động nghề du lịch Việt Nam, về công tác đào tạo, cung cấp một số đề xuất, giải pháp để đào tạo nhân sự chất lượng cao. Các chuyên gia cũng nêu ra một số vấn đề của ngành du lịch về mặt hoạch định chính sách, quản lý nhà nước.
Ngân Dương – Vnexpress