Chuyên gia dự án Cát Linh – Hà Đông bị kẹt ở Trung Quốc

Hơn 100 chuyên gia Trung Quốc của dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể quay lại Việt Nam làm việc sau đợt nghỉ Tết do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tại cuộc họp giao ban Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 31/1, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ và Ban quản lý dự án Đường sắt nghiên cứu giải pháp cho các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam làm việc. 

Đại diện Tổng thầu cho biết, trước Tết có hơn 100 chuyên gia đang làm việc tại dự án, đến như nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc. Từ tháng 1, Tổng thầu và Tư vấn giám sát đã cho các nhân sự thực hiện dự án về Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên đán, dự kiến trở lại Việt Nam từ ngày 1/2. Trực ban tại dự án chỉ còn một số ít người.

Tổng thầu và Tư vấn giám sát xin lùi lịch các nhân sự sang Việt Nam để tiếp tục thực hiện dự án, dự kiến sau 8/2. Họ cho hay do dịch viêm phổi Vũ Hán, Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế công dân xuất cảnh.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được vận hành thử. Ảnh: Giang Huy
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được vận hành thử. Ảnh: Giang Huy

Để Tổng thầu và Tư vấn giám sát có thể huy động đầy đủ nhân sự thực hiện, đáp ứng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét có văn bản đề nghị các Bộ Y Tế và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các quy định, thủ tục để các nhân sự của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát được nhập cảnh thuận lợi, kịp thời và đảm bảo không để dịch xâm nhập Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đến ngày 9/2, phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không. 

“Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ việc phòng dịch với những nhân sự này”, Thứ trưởng Đông nói.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn tất 100% khối lượng xây dựng và đào tạo nhân lực, đang tiến hành nghiệm thu.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại.