“Nhà mình ngoài đó đang có dịch, khách khứa trong này ít nhiều họ cũng lo lắng”, ông thông gia người Quảng Bình trình bày qua điện thoại tối 18/2. Ông Chung nghe xong quay sang vợ, thở dài. Bà Hà cố gắng bào chữa “đấy là xã Sơn Lôi ở bên kia sông, xã Bá Hiến nhà tôi không ai bị cả”.
Xã Bá Hiến quê bà, dù cùng huyện Bình Xuyên nhưng cách Sơn Lôi con sông Tranh, nghĩa là không nằm trong diện “cách ly” và cũng chưa ai công bố rằng Bá Hiến có dịch. Nhưng bà Hà vẫn khó thanh minh với người ngoại tỉnh, nhất là qua điện thoại. Sáng hôm sau, bà vẫn tìm lên trụ sở UBND xã Bá Hiến xin giấy xác nhận, vì thực tế, yêu cầu này đến từ chính quyền địa phương nhà trai.
“Giấy chứng nhận này không thuộc chuyên môn chính quyền xã”, bà Hà hụt hẫng trước câu trả lời của ủy ban. Văn bản bà xin chưa từng tồn tại trong lịch sử hành chính xã. Tiễn bà Hà trước cửa phòng làm việc, vị lãnh đạo xã dặn dò “Đôi bên gia đình lựa, hạn chế đi lại, không thì đành nhà nào tổ chức nhà nấy”.
“Biết thế này cưới luôn trước Tết cho rồi”, ông Chung vò đầu trước “ngày vui” của con gái.
Tháng 11/2019, con gái ông Chung kết thúc 5 năm du học Nhật Bản, trở về Việt Nam với dự định kết hôn với chàng trai quê Quảng Bình quen ở bên đó. Bảy ngày sau, lễ dạm ngõ được tổ chức, cô gái theo chồng đón cái Tết đầu tiên ở miền Trung. Hôn lễ phía nhà trai, theo kế hoạch, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 3.
Gả con gái đầu lòng, bà Hà lo lắng nhiều, từ việc chọn đại diện họ hàng vào nhà trai, đến xếp xe, thuê tài xế hợp tuổi, lái tốt, mọi thứ đã sẵn sàng. Chỉ trừ dịch bệnh là nằm ngoài dự tính.
Bà Hà đã nghĩ đến trường hợp cô con gái 25 tuổi sẽ không có anh em họ hàng ở bên trong ngày xuất giá. “Ông bà cứ phải vào với các con. Còn chuyện sau đó tính tiếp”, thông gia trấn an bà Hà sau khi biết không có giấy xác nhận.
Hết cách, bà đành giảm số người nhà gái, từ 10 người xuống còn 4, gồm vợ chồng và ông nội, ông ngoại. Thứ hai tuần sau, vợ chồng bà Hà cùng với các thành viên đã được chọn sẽ đi xuống huyện khám, xin xác nhận sức khoẻ bình thường trong mười ngày qua. Bà cũng đã nghĩ tới quãng đường gần 600 km sắp di chuyển, nghĩ tới việc thuê một ôtô biển số 29 – Hà Nội, thay vì biển 88 – Vĩnh Phúc. “Chúng tôi không giấu giếm gì cả, nhưng không muốn mọi người phải lo lắng không cần thiết”, bà chia sẻ.
Đám cưới tổ chức ở nhà gái (tại Vĩnh Phúc) sẽ hoãn lại, chưa in thiệp mời, chưa đặt cỗ cưới. “Bao giờ hết dịch sẽ tổ chức, không thì cứ bình tĩnh chờ”. Bà Hà nghĩ. Dịch corona đã khiến quá nhiều dự tính trong năm của nhà bà gặp khó khăn, sáu phòng karaoke gia đình đang kinh doanh tốt nay đã đóng cửa. Mà không riêng gia đình bà, nhà hàng xóm có con gái cưới vào cuối tháng ba cũng hoãn lại chờ hết dịch.
Ở xã Sơn Lôi bên kia sông, gần mười ngày nay, thay vì ngồi văn phòng hoặc đi các xã, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bình Xuyên trở thành “đặc phái viên” bất đắc dĩ của huyện ủy ở ngay giữa vùng cách ly.
Gia đình năm người gồm ông Tuấn và vợ, hai đứa trẻ con và bà ngoại đang sống trong vòng cách ly 20 ngày khi Sơn Lôi bị phong toả.
Trước ngày Bộ Y tế thông tin chính thức về ba ca nhiễm nCoV, gia đình ông Tuấn cũng như hàng nghìn người Sơn Lôi khác vẫn đi thăm họ hàng, chúc Tết mà không biết mình sẽ bị gắn định danh “người dân vùng dịch”. Khi thông tin được công bố chiều 30/1, ông liền dặn người nhà hạn chế đến nơi đông người, cũng tránh gặp bạn bè ở nơi khác. Dự định về quê nội ở huyện Sông Lô dự đám cưới người cháu họ cũng hoãn, vì “đi đâu bây giờ cũng không tiện dù mình không bị nhiễm bệnh”.
Tối 12/2, ông Tuấn nhận được điện thoại từ lãnh đạo thông báo ngày mai có thể “làm việc ở nhà” bởi các lực lượng chức năng sẽ bắt đầu lập chốt.
Ông Tuấn dặn vợ mua thêm thịt cá bỏ tủ lạnh, muối dưa cà để chuẩn bị cho những ngày “nội bất xuất” khỏi Sơn Lôi. Thi thoảng, ông ra đầu làng nhận tiếp tế từ bố vợ ở Vĩnh Yên, khi con gà, lúc mớ rau, hoặc nhận xăng do người giao hàng mang tới để đi lại trong làng. Công việc hoặc tin tức ở Sơn Lôi đều được ông cập nhật về huyện qua email hoặc điện thoại.
Mọi sinh hoạt của hơn 10.600 người dân của sáu thôn trong xã Sơn Lôi gói gọn sau 12 thanh barie của các chốt kiểm dịch. Ông Tuấn thấy “bó chân, bó tay” trong những ngày đầu cách ly, nhưng rồi tự điều chỉnh cách tiếp cận, bởi coi như mình đang dưới địa bàn, trực tiếp chống dịch và có thông tin gì sẽ cập nhật về huyện.
“Cách Sơn Lôi đến 30 km nhưng vẫn là người Vĩnh Phúc”, chị Tạ Thị Lương sống ở Tam Đảo kể về trải nghiệm bị mặc định là “người dân đến từ nơi có dịch”.
Tuần trước, anh em chị Lương đi đền Bảo Hà (Lào Cai) và rủ nhau công đức một ít tiền sau lễ bái dâng hương. Người viết phiếu tươi cười trông xấp tiền, hỏi chị quê ở đâu để còn ghi danh. Nhưng vẻ đon đả không còn khi nghe “bọn em đến từ Vĩnh Phúc”. Họ nhận tiền, ghi phiếu rồi lấy tay điều chỉnh khẩu trang trên mặt, không nói gì. Từ giây phút đó trên hành trình du xuân, Lương hạn chế nói ra quê quán của mình.
Trước đó tại cuộc họp báo ngày 14/2, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói tỉnh đã triển khai đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. “Vĩnh Phúc sẽ không để dịch lây lan ra ngoài”, ông khẳng định và nói thêm, người dân tỉnh Vĩnh Phúc không nằm trong diện cách ly, mà Vĩnh Phúc chỉ có vùng cách ly là xã Sơn Lôi. Do vậy, tổ chức và cá nhân nào cách ly người dân tỉnh Vĩnh Phúc không theo hướng dẫn của Bộ Y tế là vi phạm pháp luật.
Ông Bùi Huy Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, cũng lấy làm tiếc vì thời gian qua một số cá nhân chia sẻ thông tin về dịch bệnh tại Vĩnh Phúc không chính xác, đầy đủ, không chia sẻ tình cảm với người dân Vĩnh Phúc lúc này. Vì vậy, ông mong muốn truyền đi thông điệp khách quan, chính xác để mọi người hiểu đúng về tình hình dịch bệnh và không có sự kỳ thị với người dân Vĩnh Phúc.
Thanh Lam – Hoàng Phương – Vnexpress
*Một số nhân vật đã được đổi tên