Chướng ngại cản điều tra tai nạn máy bay ở Iran

Nghi vấn chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine bị bắn hạ ở Iran khiến quá trình điều tra sự cố vốn khó khăn trở nên phức tạp hơn.

Chuyến bay số hiệu PS752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) hôm 8/1 rơi và bốc cháy gần sân bay quốc tế Imam Khomeini ở thủ đô Tehran, Iran ngay sau khi cất cánh để tới Kiev, Ukraine. Toàn bộ 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, bao gồm 83 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 4 người Afghanistan, ba người Anh và ba người Đức.

Các cuộc điều tra tai nạn hàng không liên quan tới chuyến bay quốc tế thường rắc rối, khi những điều tra viên và chuyên gia kỹ thuật khắp thế giới tập trung lại để xem xét nguyên nhân thảm họa. Những bước cụ thể trong quá trình điều tra được quy định trong nghi thức quốc tế. Tuy nhiên, chúng không có tính ràng buộc.

Vụ rơi máy bay Ukraine ở Tehran, Iran hôm 8/1. Video: Next.

Cơ quan an toàn giao thông Canada hôm qua cho biết họ đã đồng ý lời mời tới tìm hiểu hiện trường vụ tai nạn từ giới chức Iran, nói thêm rằng đang sắp xếp chuyến đi. Các quan chức Ukraine cũng nhận được lời mời và đã có mặt tại Tehran, cùng với những chuyên gia từng điều tra vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines rơi ở Donetsk, miền đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga kiểm soát.

Chiếc Boeing 777 trúng một quả tên lửa phòng không trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, với 2/3 là người Hà Lan. Một số chi tiết nhạy cảm trong thảm họa này chưa bao giờ được công khai, trong khi những thông tin khác mất nhiều năm mới sáng tỏ.

Ngoài cuộc điều tra riêng biệt về an toàn hàng không, Nhóm Điều tra Chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu còn tiến hành điều tra hình sự. Họ xác định một tên lửa BUK “có nguồn gốc từ lãnh thổ Nga” được sử dụng trong vụ tấn công, sau đó phát lệnh truy nã và truy tố tội giết người với ba công dân Nga và một công dân Ukraine. Tuy nhiên, Nga nói cáo buộc của các điều tra viên JIT “hoàn toàn vô căn cứ”.

Xung đột về ngoại giao hoặc vấn đề kỹ thuật cũng từng khiến một số quốc gia do dự trong quá trình hợp tác điều tra sự cố. Sau vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX ở Ethiopia năm ngoái, giới chức Ethiopia xích mích với các đối tác tại NTSB về việc chia sẻ dữ liệu. Cuối cùng, Ethiopia đã quay lưng với Mỹ và gửi hộp đen máy bay tới Pháp.

Ai Cập cũng từng ngần ngại hợp tác với Pháp trong cuộc điều tra vụ máy bay của hãng EgyptAir gặp nạn khi đi từ Cairo đến Paris năm 2016. Ai Cập chịu trách nhiệm dẫn dắt điều tra và chính quyền nước này nghiêng về giả thuyết phi cơ bị rơi do nổ bom trên khoang.

Tuy nhiên, nguyên nhân sự cố tới nay vẫn là bí ẩn, khi các điều tra viên Pháp không được cung cấp thông tin chi tiết về những phát hiện, với lý do nhằm chống khủng bố. Ba năm rưỡi sau, một nhóm điều tra của Pháp cáo buộc chuyến bay MS804 không đủ an toàn để cất cánh do sai sót về bảo trì của EgyptAir.

 Ánh Ngọc (Theo WSJ) – Vnexpress