Chốt phiên hôm qua, chỉ số DJIA giảm 1,57% về 28.535 điểm. S&P 500 giảm tương đương, về 3.243 điểm. Còn Nasdaq Composite giảm 1,89% xuống 9.139 điểm.
DJIA và S&P 500 đều có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2019. Trong khi đó, mức giảm của Nasdaq là lớn nhất kể từ ngày 23/8. Chỉ số đo sự sợ hãi tại Wall Street – CBOE Volatility cũng lên cao nhất gần 4 tháng.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến du lịch, như hàng không, casino và khách sạn giảm mạnh nhất. Các công ty kinh doanh sòng bài có hoạt động mạnh tại Trung Quốc, như Las Vegas Sands, Wynn Resorts và Melco Resorts & Entertainment đều mất hơn 5%. Yum China mất 5,27% sau khi thông báo đóng cửa tạm thời một số cửa hàng KFC và Pizza Hut tại Vũ Hán – tâm điểm dịch bệnh.
Các cổ phiếu công nghệ, như Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon, mất từ 1,6% trở lên. Chỉ số theo dõi các công ty năng lượng trong S&P 500 giảm 2,7% hôm qua, do giá dầu thô giảm 2% trước lo ngại dịch bệnh bùng phát kéo tụt nhu cầu của nguyên liệu này.
Mức giảm của S&P 500 tuần trước là mạnh nhất kể tháng 9/2019, khi Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố và hạn chế đi lại. Việc này khiến nhà đầu tư nhớ đến dịch SARS làm gần 800 người thiệt mạng năm 2002 – 2003 và kinh tế toàn cầu bốc hơi hàng tỷ USD
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng ảnh hưởng kinh tế sẽ chỉ kéo dài trong ngắn hạn. “Mọi việc bị thổi phồng quá rồi. Tôi thấy Trung Quốc đang kiểm soát tốt hơn nhiều so với thời dịch SARS. Mà kể cả SARS cũng không gây ra thảm họa kinh tế nào cả”, Stephen Massocca – Phó giám đốc cấp cao tại Wedbush Securities nhận xét.
Thị trường cũng chịu sức ép vì kết quả lợi nhuận quý IV/2019 của các công ty. Trong 87 công ty đã báo cáo, 67,8% có lợi nhuận vượt dự báo – thấp hơn 74% mức trung bình trong 4 quý trước đó. Tuần này, 141 công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ công bố báo cáo tài chính quý IV/2019. Trong đó có Apple, Microsoft và Boeing.
Hà Thu (theo Reuters) – Vnexpress