Chứng khoán Mỹ ‘đắt đỏ’ nhất 18 năm

Dù kinh tế đi xuống, dịch bệnh phức tạp, các chỉ số chính phố Wall vẫn liên tục tăng, đẩy định giá P/E thị trường lên 20,4 lần – cao nhất 18 năm.

Ngay cả khi đã giảm tới 30 triệu lao động, các công ty tại Mỹ vẫn phải đối mặt với áp lực về lợi nhuận khi nền kinh tế chịu đòn giáng mạnh của Covid-19. Chi phí tiền lương có thể giảm, nhưng sự sụt giảm của tổng cầu và vô số những trở ngại trong quá trình khởi động lại sau giai đoạn cách ly xã hội khiến bức tranh chung trở nên ảm đạm.

Trong khi đó, những cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vẫn liên tục tăng khi nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, dù điều này dường như ngày càng rủi ro.

Các chỉ số của phố Wall liên tục tăng cuối tháng 3, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết chương trình mua trái phiếu sẽ tiếp tục cho đến khi nền kinh tế trở lại. Đến nay, S&P 500 đã tăng gần 30% kể từ mức thấp nhất ngày 23/3. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones và Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 25% và 28% so với đáy gần nhất. Điều này khiến mức định giá P/E trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lên tới 20,4 lần, mức cao nhất trong 18 năm.

S&P 500 đã tăng 26% từ mức đáy cuối tháng 3. Ảnh: Bloomberg.
S&P 500 đã tăng 26% từ mức đáy cuối tháng 3. Ảnh: Bloomberg.

“Đây là một làn sóng lớn trên thị trường cổ phiếu, với các nguyên tắc cơ bản gần như đã bị bỏ qua”, James Knightley, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING nói. “Vấn đề giãn cách xã hội, sự lo lắng của người tiêu dùng có thể sẽ ở lại trong nhiều tháng. Với khả năng 35 đến 40 triệu người Mỹ mất việc, với tôi đó không phải là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gia tăng tỷ suất sinh lời”.

Những dữ liệu của FactSet cũng chứng minh lập luận của Knightley. Trong quý đầu tiên, 86% các công ty S&P 500 báo cáo lợi nhuận giảm, với mức thấp hơn khoảng 13,6% so với cùng kỳ. Kết quả này đã xác lập quý kinh doanh tồi tệ nhất trong gần 11 năm và dự báo tình hình có thể còn ảm đạm hơn. Giới phân tích ước tính lợi nhuận các công ty sẽ giảm 40,6% trong quý II, giảm 23% trong quý III và 11,4% trong quý IV.

Những con số định giá cao ngất ngưởng cũng đi ngược với những số liệu vĩ mô của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới 14,7% và ít nhất 20,5 triệu việc làm bị mất trong tháng 4, mức tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Trên hết, chỉ số giá tiêu dùng đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất lịch sử kể từ khi dữ liệu này được theo dõi từ năm 1957.

“Nhu cầu giảm mạnh sẽ khiến hàng tồn kho tăng lên”, Knightley nói. “Điều đó có nghĩa các công ty sẽ phải giảm giá bán. Biên lợi nhuận sẽ chịu áp lực lớn. Khi đó, không phải lợi nhuận mà dòng tiền mới là điều các doanh nghiệp quan tâm”. Dù vẫn còn tích cực nhưng biên lợi nhuận các doanh nghiệp trong S&P 500 quý đầu tiên chỉ đạt khoảng 9,5%, giảm từ mức 11% một năm trước.

Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như đã bỏ qua những số liệu này và chỉ nhìn vào những dự báo “màu hồng” phía trước. Ngoài những gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD, giới phân tích cho rằng, dòng tiền vẫn đổ vào thị trường là do những dự báo về khả năng phục hồi hình chữ V, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp bật tăng khi đại dịch được khống chế và nỗi lo bỏ lỡ cơ hội.

Nhiều chuyên gia đã bỏ qua các số liệu kinh tế ảm đạm và dự báo đà phục hồi tăng tốc khi các bang mở cửa lại. New York, cùng hơn 20 bang khác đã lên kế hoạch và thực hiện những bước đầu của việc mở cửa lại. Những tin tức này giúp nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh từ nay đến đầu năm sau.

“Dù triển vọng lợi nhuận vẫn còn nhiều thách thức, ít nhất trong nửa đầu năm 2020, nhà đầu tư đang ngày càng phớt lờ tác động của Covid-19 đến các yếu tố nền tảng năm nay và hướng đến đà phục hồi năm 2021”, JPMorgan Chase & Co nhận xét. Họ cũng dự báo chứng khoán Mỹ sẽ quay lại các đỉnh cũ trong nửa đầu năm sau.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng sợ sẽ bỏ lỡ đà phục hồi nhanh hơn dự kiến của thị trường. Khi Fed và chính phủ Mỹ “cứu” nền kinh tế bằng các gói cứu trợ khổng lồ, niềm tin nhà đầu tư cũng được kéo lên cao. Nếu thị trường chứng khoán hồi phục nhanh hơn dự kiến, nhiều người sẽ bị bỏ lại phía sau và hụt mất khoản lợi nhuận.

“Họ phải chấp nhận rủi ro. Một là đại dịch tiếp tục hoành hành. Hai là kinh tế phục hồi”, Jim Paulsen – chiến lược gia tại Leuthold Group nhận xét.

Minh Sơn (theo CNBC, WSJ) – Vnexpress