Chứng khoán các thị trường mới nổi ‘ảm đạm’ trong thập kỷ qua

Dù có khởi đầu mạnh mẽ vào năm 2010, cổ phiếu thị trường mới nổi vẫn kém hơn thị trường phát triển trong thập niên qua.

Chỉ số MSCI của thị trường mới nổi chỉ tăng 15% kể từ đầu năm 2010. Trong khi đó, MSCI World index đã mang lại lợi nhuận khổng lồ, với mức tăng 104% trong cùng thập niên qua.

Reuters bình luận rằng, diễn biến trên là do cổ phiếu thị trường mới nổi bị đè nặng bởi các sự kiện như bán tháo tại thị trường Trung Quốc, khủng hoảng nợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Chỉ số MSCI thị trường mới nổi (vàng) so với MSCI World index. Đồ họa: Reuters
Chỉ số MSCI thị trường mới nổi (vàng) so với MSCI World index. Đồ họa: Reuters

Thái Lan, Philippines và Đài Loan dẫn đầu các thị trường mới nổi, với mức tăng hơn 50% trong thập kỷ qua. Trong khi đó, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Cezch đứng cuối danh sách với lợi nhuận âm.

Giai đoạn năm 2010 đến tháng 12/2019, vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán mới nổi có nhiều biến động. Nhà đầu tư ngoài chùn bước khi quan điểm về mức độ rủi ro của họ luôn thay đổi. Đây cũng là giai đoạn Mỹ liên tục nâng lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu giảm kích thích.

Tỷ số P/E trong 12 tháng qua tại thị trường mới nổi. Đồ họa: Reuters
Tỷ số P/E trong 12 tháng qua tại thị trường mới nổi. Đồ họa: Reuters

Chỉ số MSCI thị trường mới nổi cũng chỉ ra tỷ số P/E 12 tháng qua, tính đến cuối tháng 11/2019, ở mức 11,8. Còn mức trung bình 10 năm là 10,9. Mức thấp nhất của nó là 8,5 vào tháng 10/2011 và mức cao là 13,09 vào tháng 1/2018. Trung Quốc và Ba Lan chứng kiến P/E giảm mạnh nhất trong thập kỷ qua còn Thái Lan thì ghi nhận P/E tăng mạnh nhất.

Nga và Cezch dẫn đầu về tỷ lệ chi trả cổ tức, trong khi Ấn Độ có tỷ suất sinh lợi thấp nhất. Cổ tức của Nga tăng lên 6,8% vào cuối tháng 11/2019, so với mức 1,6% vào đầu năm 2010. Tỷ lệ cổ tức của Chile cũng tăng lên 3,6, từ mức 1,3%.

Tỷ lệ chi trả cổ tức các nước thị trường mới nổi.  Đồ họa: Reuters
Tỷ lệ chi trả cổ tức các nước thị trường mới nổi. Đồ họa: Reuters

Theo phân tích của Reuters với 4.402 công ty, lợi nhuận của các công ty tại thị trường mới nổi đã chậm lại, sau khi họ đạt mức tăng trưởng 40% trong năm 2010. Nguyên nhân đến từ các yếu tố như giá hàng hóa giảm, nhu cầu chậm đối với các sản phẩm công nghệ và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Phân tích cũng cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thị trường mới nổi tụt lại so với các công ty thị trường phát triển trong phần lớn thập kỷ qua.

Lợi nhuận các công ty thị trường phát triển (đỏ) và mới nổi (xanh) trong thập kỷ qua.  Đồ họa: Reuters
Lợi nhuận các công ty thị trường phát triển (đỏ) và mới nổi (xanh) trong thập kỷ qua. Đồ họa: Reuters

Các công ty Trung Quốc, Mexico và Thái Lan có mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình cao nhất, từ 10% trở lên trong 10 năm qua. Hungary, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng trung bình âm.

Các công ty thị trường mới nổi đã cắt giảm bớt nợ. Nhưng đồng thời, họ cũng chậm kế hoạch mở rộng quy mô do nhu cầu xuất khẩu giảm.

Phiên An (theo Reuters) – Vnexpress