Chiều 16/6, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hỗ trợ đưa chuyên gia của Liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (ACT) ở Pháp sang Việt Nam trong tháng 6. Một số chuyên gia trở về Pháp dịp Tết Canh Tý và bị kẹt lại do ảnh hưởng của Covid-19.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Pháp thông báo đến tháng 7 mới trả lời Bộ Giao thông Vận tải. Hiện Việt Nam và nhiều nước vẫn đóng cửa đường bay thương mại quốc tế nên chưa tìm được phương án đi lại cho các chuyên gia. “Nếu Tư vấn Pháp không sang Việt Nam thì dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không thể vận hành thử”, ông Đông nói, cho biết công tác vận hành thử là điều kiện bắt buộc để đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu dự án.
Theo Thứ trưởng Đông, Tổng thầu Trung Quốc đã đưa 28 chuyên gia sang Việt Nam từ ngày 14/6 để chuẩn bị vận hành thử toàn hệ thống. Hơn 100 chuyên gia còn lại đang làm thủ tục trở lại Việt Nam. Họ đã đi bằng tàu hỏa và nhập cảnh qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai. Tất cả phải kê khai và kiểm tra y tế, phun khử trùng trước khi lên xe về Hà Nội. Sau đó, họ được cách ly tập trung ở khu depot của dự án tại quận Hà Đông trong 14 ngày.
Về khoản tiền 50 triệu USD phía Tổng thầu đề nghị thanh toán, Thứ trưởng Đông khẳng định phía Việt Nam sẽ chi trả theo đúng quy định tại hợp đồng EPC đã ký với Tổng thầu Trung Quốc. Hiện hai bên tích cực trao đổi và xử lý các vấn đề còn tồn đọng để dự án được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân theo hợp đồng.
Trả lời về khả năng đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đang đốc thúc các bên liên quan thực hiện. Việc này còn phụ thuộc vào kế hoạch của Hà Nội vì là cơ quan tiếp nhận dự án.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài hơn 13 km với 12 nhà ga đi trên cao, vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa được khai thác thương mại.
Theo quy định, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước khi được đưa vào vận hành chính thức phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận kiểm định an toàn các đoàn tàu. Ngoài ra, dự án còn phải được đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống do liên danh Apave-Certifier-Tric (Pháp) – tổ chức chứng nhận độc lập có đủ năng lực thực hiện, được chủ đầu tư dự án lựa chọn qua đấu thầu. Đơn vị này chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận của mình.
Mới đây, Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam thanh toán 50 triệu USD cho những hạng mục xây dựng đã hoàn thành, song phía Việt Nam cho rằng các thủ tục để được giải ngân chưa được Tổng thầu Trung Quốc hoàn thành.
Đoàn Loan – Vnexpress