Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh lên tiếng khi bị xếp vào nhóm ‘lười’ tiếp dân

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Duy Tuấn

Trước việc bị xếp vào nhóm chủ tịch các tỉnh “lười” tiếp dân, với tỷ lệ so với yêu cầu là 0%, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thấy “bất ngờ”.

Ông Đặng Quốc Khánh chia sẻ: “Thành thật mà nói, tôi hết sức bất ngờ với số liệu mà Ban Dân nguyện (UB Thường vụ QH) đưa ra. Tôi không rõ ở các địa phương khác như thế nào, nhưng tại Hà Tĩnh, công tác tiếp dân được thực hiện nghiêm túc, có lịch cứng tiếp dân định kỳ ngày 15 hàng tháng, nếu vướng thì có thông báo chuyển lịch ngày để bà còn được biết”.

Chủ tịch Hà Tĩnh cho biết, tùy theo tính chất vụ việc, công việc mà cả Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đều tiếp dân. Khi Chủ tịch tỉnh vướng lịch họp QH, hoặc các chương trình nghị sự của tỉnh không thể vắng mặt được thì ủy quyền cho cấp phó tiếp dân, sau đó nghe lại để xử lí.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Duy Tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Khánh nhấn mạnh, trong tiếp dân điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả  xử lí tồn đọng, vướng mắc cho người dân, tạo niềm hứng khởi, niềm tin cho nhân dân.

“Việc tiếp dân không phải cứ nhất nhất đến lịch là ra ngồi ở trụ sở tiếp dân, mà có nhiều cách khác nhau. Có những vụ việc tôi phải đến trụ sở tiếp dân. Nhưng có một số vụ việc bất ngờ, đột xuất thì tôi phải hoãn việc chưa thật sự cấp thiết để tiếp người dân luôn ngay tại chỗ, giải quyết luôn vụ việc, chứ không thể chờ đến lịch, chờ có mặt ở trụ sở tiếp dân mới giải quyết được” – ông Khánh nói.

Ông chia sẻ, bằng những cuộc tiếp dân với vị thế người đứng đầu chính quyền, đã xử lí được rất nhiều vụ việc nóng. Như việc bà con các địa phương ở huyện Thạch Hà, Lộc Hà kéo đến trụ sở UBND tỉnh sau sự cố môi trường biển năm 2016. Hay khi bà con tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh, chợ thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến chuyển đổi chợ; bà con ở huyện Nghi Xuân lên tỉnh yêu cầu làm rõ chuyện đền bù đất đai.

“Có những vụ việc kéo dài đã hàng chục năm, cá nhân tôi cũng trực tiếp đối thoại với người dân để tháo gỡ, giải quyết”, ông Khánh nói.

Ông khẳng định, sẽ tiếp nhận thông tin đánh giá tỉ lệ tiếp dân của Ban Dân nguyện với thái độ cầu thị.

“Số liệu có thể chưa chính xác, chưa sát với thực tiễn tại cơ sở, tôi có thể trao đổi lại với Ban Dân nguyện. Nhưng tôi nghĩ, đó cũng là điều tốt để tôi tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc trực tiếp, giải quyết các vấn đề mà người dân cần ở vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh”, ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, ngoài việc tiếp định kỳ, cuối năm nay ông sẽ chủ trì tiếp dân không phải một ngày, mà nhiều ngày để nắm tổng thể những vụ việc nổi cộm còn vướng mắc, tồn tại để xử lí.

Theo Nguyễn Văn Đa (Vietnamnet)

Để lại một bình luận