Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn gồm lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và cả người chăn nuôi.
Không chạy theo đuôi ổ dịch
Tại Quảng Ninh, tính đến hết ngày 14.3, đã có 7 ổ dịch/7 xã phường/4 huyện, thị xã, thành phố với 197 con lợn bị bệnh buộc chôn hủy, trọng lượng 6.533kg. Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh nhận định: Nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát rộng trên địa bàn tỉnh là rất cao do nhiều nguyên nhân như điều kiện thời tiết; các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước, các tỉnh đã và đang có dịch bệnh; sự chủ quan, lơ là, ỷ lại của người chăn nuôi…
Nhìn nhận công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tại địa phương trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã thẳng thắn: “Hiện nay chúng ta vẫn đi theo hướng là chỗ nào xuất hiện ổ dịch thì mới đến khoanh vùng, tiêu hủy, xử lý. Ở một hộ dân chăn nuôi lợn mà chính quyền cấp xã, thôn chưa đến nhà hộ đó nhắc nhở phòng dịch thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo địa phương đó. Nếu khó khăn gì, vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì thì tỉnh sẵn sàng hỗ trợ. Chứ đừng để người dân phòng dịch không biết, lợn chết không báo, đến lúc chết nhiều quá mới báo, như thế là chính quyền vô cảm”.
Ông Long cũng nhắc nhở một số địa phương đã có thái độ lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Đối với các địa phương chưa phát hiện ổ dịch, Chủ tịch tỉnh cho rằng: “Tất cả các phường, xã phải coi rằng dịch đã đến rồi, chẳng qua nó chưa nổ ra, hoặc nổ rồi mà dân chưa báo, cơ quan chức năng chưa biết. Nếu chúng ta không triển khai ngay các giải pháp cấp bách, cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, thì ngày mai lại xuất hiện các ổ dịch khác, rồi chẳng mấy chốc lan ra toàn tỉnh”.
Trước đó, theo ghi nhận của PV Dân Việt tại vùng dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Quảng Ninh – thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều – người dân phản ánh về việc lâu nay vẫn thấy xuất hiện xác động vật chết trôi sông, khi thì con lợn, khi con chó, gà… không biết trôi từ đâu tới, gây mùi hôi thối, làm ô nhiễm môi trường. Nằm tiếp giáp với một xã có dịch bệnh tả lợn châu Phi thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhưng các hộ nuôi lợn ở thôn Đức Sơn vẫn điềm nhiên dùng nước sông để rửa chuồng và cho lợn ăn, uống. Một số hộ nuôi lợn cho biết, họ không hề thấy xã có tuyên truyền gì về sự nguy hiểm của dịch bệnh này, cũng không cấp phát vôi, hóa chất khủ trùng cho đến khi nổ ra ổ dịch tại nhà bà Nguyễn Thị Làn (thôn Đức Sơn).
Bắt nhiều xe chở lợn quay đầu
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng tôi phải căng mình chống dịch đến như vậy. Cán bộ của Chi cục trực đường dây nóng 24/24, thường xuyên lao xuống xã giữa đêm hôm; phân công 11 cán bộ kỹ thuật phụ trách theo dõi địa bàn, ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật quy trình xử lý ổ dịch, chôn hủy lợn bệnh, bện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biên soạn tài liệu cấp phát cho các địa phương”.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập 34 điểm chốt kiểm soát ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
Tại cả 3 khu vực cửa khẩu: Móng Cái, Hoành Mô và Bắc Phong Sinh đều lập chốt kiểm soát liên ngành và hoạt động cả ngày lẫn đêm để kiểm soát nguồn vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tiêu độc khử trùng trong các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, chợ đầu mối, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch, bảo vệ đàn lợn trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Ninh ra thông cáo, tất cả các xe chở lợn đi vào địa bàn tỉnh phải có kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tại các chốt chặt, nhất là tại các tuyến đường biển, sông, biên giới phải kiểm soát nghiêm ngặt, nếu có kết quả dương tính với bệnh phải kiên quyết không cho vào địa bàn. Các địa phương phải nắm được số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn từng xã để có giải pháp phòng, chống kịp thời. Tại 4 địa phương có dịch phải xử lý triệt để, không để phát sinh thêm ổ dịch. Về hỗ trợ cho bà con, tỉnh đã có chính sách kịp thời, bởi vậy các địa phương phải triển khai ngay để hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân.
Theo danviet.vn