Ngày 26 tháng Chạp, các điểm bán hoa, cây cảnh trên những tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố Thanh Hoá và khu vực chợ đầu mối tấp nập người mua bán. Loại cây nhỏ, người dân tự đưa về nhà nhưng với cây đào, quất cỡ lớn, cành lá sum xuê, họ phải thuê người chuyển giúp. Vì vậy dịch vụ chở thuê đào, quất những ngày này nở rộ.
Anh Nguyễn Hữu Hùng (40 tuổi, ở xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương) vốn làm nghề xe ôm. Nhưng cứ đến gần, Tết anh lại đến các tuyến phố bán hoa để chở đào, quất thuê.
Sáng 26 Tết, anh Hùng chở được 5 chuyến cây cho khách, thu về hơn 500.000 đồng. Hùng làm việc từ sáng và thường về nhà lúc 9 đến10h tối. Có hôm bận, anh không kịp nghỉ ăn cơm trưa, chỉ mua tạm ổ bánh mì, chai nước lọc vừa làm vừa ăn.
“Chở cây thuê nặng nhọc, lấm lem hơn chở khách nhưng cũng có đồng ra đồng vào dịp Tết”, anh Hùng chia sẻ. 5 năm nay, dịp Tết nào anh Hùng cũng làm công việc thời vụ này. Một chuyến nội thành, anh được trả từ 70.000 đến 200.000 đồng, tùy vào khoảng cách xa hay gần và kích thước lớn, nhỏ của chậu cây.
Trung bình mỗi ngày, anh Hùng đi được khoảng 10 – 15 chuyến cây cảnh, thu được cả triệu đồng. Có hôm gặp “khách sộp” được thưởng thêm, anh Hùng có thể kiếm được vài triệu.
Nghề chở cây thuê cũng phải cạnh tranh giống như xe ôm, thậm chí chèo kéo khách hàng. Để kiếm được mối chở hàng, những người có kinh nghiệm thường chọn vị trí đông người mua sắm hay tiệm bán hoa có nhiều mặt hàng đẹp. Những người như anh Hùng phải đến chợ hoa ở phố Lê Hoàn hay trung tâm triển lãm thành phố Thanh Hoá từ sáng sớm. Họ phụ các chủ hàng hoa bưng bê cây bày ra vị trí dễ nhìn để khi có khách mua sẽ được ưu tiên thuê chở.
Người không có mối hàng quen thì phải đứng chờ khách ở một góc chợ hoặc đi chào mời khắp các gian hàng. Lúc rỗi, anh Hùng thường giúp chủ cửa hàng bán đào, quất và tranh thủ giới thiệu dịch vụ chở cây thuê.
Cho thu nhập cao hơn ngày thường, nhưng nghề chở hoa, cây cảnh dịp Tết có những rủi ro, bởi đây là dịp phương tiện giao thông khá đông, rất dễ xảy ra va quệt, tai nạn. Cây cảnh đưa đến nhà khách không may bị hư hỏng, người chở thuê không những không được nhận tiền công mà còn có thể phải bồi thường. Hai hôm trước, anh Hùng bị đền một chậu quất thế, mất hơn 800.000 đồng. “Hôm đó coi như làm không công cả ngày”, anh chia sẻ.
Cùng với cánh xe ôm, nhiều tài xế xe ba gác hoặc xe tải nhỏ cũng tham gia thị trường chở thuê ngày Tết. Anh Nguyễn Văn Xuân có chiếc tải xe loại 500 kg, gần tuần nay anh kiếm được hơn hai triệu mỗi ngày từ chở cây thuê.
Dùng ôtô tuy không luồn lách được các ngõ hẻm nhưng lại chở được nhiều cây hơn. Anh Xuân thường gom ba bốn khách cùng trục đường rồi chuyển đi một thể. “Không ai muốn đầu tắt mặt tối những ngày cuối năm nhưng vì mưu sinh nên phải cố thôi”, anh Xuân nói và cho hay sẽ nhận chở hàng đến chiều 30 Tết mới nghỉ.
Theo thống kê nhanh của chính quyền địa phương, dịp này ở thành phố Thanh Hoá có hàng trăm người từ các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hoá… đổ về làm dịch vụ chở hàng, chở cây thuê.