Chiến dịch ‘Đại bàng’ từng đưa Vua Iran đến Mỹ

Cuối tháng 10/1979, máy bay Gulfstream II hạ cánh xuống Fort Lauderdale, Florida, chở một hành khách ít ai ngờ tới.

Trên máy bay là một chính trị gia đảng Cộng hòa, một sĩ quan quân đội Iran và Mohammed Reza Pahlavi, vua bị lật đổ của Iran.

Khi máy bay hạ cánh, người duy nhất đón tiếp ông là David Rockefeller, chủ tịch ngân hàng Chase Manhattan, người không chỉ vận động Nhà Trắng chấp nhận Pahlavi đến Mỹ mà còn lo liệu thị thực cho đoàn tùy tùng, tìm kiếm biệt thự, trường tư cho gia đình ông và sắp xếp chuyến bay Gulfstream.

Vua Mohammed Reza Pahlavi và Hoàng hậu Farah rời Iran ngày 17/1/1979. Ảnh: AP.
Vua Mohammed Reza Pahlavi và Hoàng hậu Farah (đi phía trước) rời Iran ngày 17/1/1979. Ảnh: AP.

“Đại bàng đã hạ cánh”, Joseph V. Reed Jr., chánh văn phòng của Rockefeller, nói trong cuộc gặp mặt ăn mừng tại ngân hàng vào sáng hôm sau.

Mohammad Reza Pahlavi từng là đồng minh thân cận nhất của Washington ở Vùng Vịnh. Ông phải chạy trốn khỏi Tehran vào tháng 1/1979 do cuộc nổi dậy chống lại 38 năm cầm quyền của mình. Đình công và biểu tình khiến Tehran tê liệt, lực lượng an ninh mất kiểm soát.

Rockefeller có mạng lưới quan hệ rộng với các quan chức Nhà Trắng, bao gồm Tổng thống Jimmy Carter. Ông quen biết Vua Pahlavi từ năm 1962, đã trò chuyện với ông ở New York, Tehran và St. Moritz, Thụy Sĩ.

Khi Iran có doanh thu dầu mỏ lớn vào những năm 1970, ngân hàng Chase liên doanh với một ngân hàng nhà nước Iran và kiếm được những khoản lời lớn khi tư vấn cho công ty dầu khí quốc gia nước này. Đến năm 1979, ngân hàng Chase cung cấp các khoản vay hơn 1,7 tỷ USD cho các dự án công của Iran (5,8 tỷ USD theo thời giá ngày nay).

Sau khi rời khỏi Iran ngày 17/1/1979, vua Pahlavi đến Ai Cập và Morocco. Bộ Ngoại giao Mỹ nhờ Rockefeller giúp đỡ đưa Vua Pahlavi đến Mỹ. Rockefeller rất sẵn sàng làm điều đó, bởi Vua Pahlavi là một trong những khách hàng mang lại lợi nhuận cao nhất cho ngân hàng Chase. Ông đã yêu cầu cấp dưới Reed tìm nơi ở cho Vua Pahlavi tại Mỹ.

“Không đủ lớn cho khách hàng rất đặc biệt của tôi”, Reed viết thư cho một nhà môi giới bất động sản ở Greenwich, Connecticut, bên chào mời hai khu bất động sản khoảng hai triệu USD (7,4 triệu USD theo thời giá ngày nay).

Tháng 2/1979, một đám đông người Iran xâm nhập và kiểm soát đại sứ quán Mỹ tại Tehran trong hai giờ trước khi bị lực lượng an ninh can thiệp. Các nhà ngoại giao cảnh báo rằng nếu Mỹ cho Vua Pahlavi tị nạn, có nguy cơ một cuộc tấn công khác sẽ xảy ra. Carter muốn gạt đi dự định đưa Vua Pahlavi đến Mỹ.

Rockefeller không muốn thông báo tin xấu này cho khách hàng đặc biệt, lo sợ làm vậy sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Thay vào đó, Rockefeller tìm điểm đến khác cho Vua Iran, trước hết là Bahamas, sau đó là Mexico.

David Rockefeller tại Mỹ năm 1971. Ảnh: New York Post.
David Rockefeller tại Mỹ năm 1971. Ảnh: New York Post.

Để thuyết phục chính quyền Carter, Rockefeller mở chiến dịch có tên Dự án Đại bàng. Đội ngũ của ông gồm những chính khách kỳ cựu như cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, chủ tịch một hội đồng cố vấn của Chase; John J. McCloy, từng là cố vấn cho 8 tổng thống Mỹ; Archibald B. Roosevelt Jr., giám đốc điều hành của Chase và là cựu đặc vụ CIA cùng Richard M. Helms, cựu giám đốc của CIA và là cựu đại sứ Mỹ tại Iran.

Rockefeller khẳng định mối quan tâm của ông đối với Vua Pahlavi hoàn toàn vì “uy tín của Washington”. Chúng ta không thể “bỏ rơi một người bạn khi ông ấy cần chúng ta nhất”, ông viết trong hồi ký.

Tháng 4/1979, Kissinger cố gắng thuyết phục cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski và điện đàm cho Carter. Rockefeller cũng trò chuyện với Carter tại Nhà Trắng. Trong một bài phát biểu, Kissinger công khai chỉ trích chính quyền Carter để một đồng minh thân thiết phải “đi lang bạt” để tìm nơi tị nạn. McCloy gửi một loạt thư đến các quan chức cấp cao, lập luận rằng Mỹ có nguy cơ mất uy tín với bạn bè, đồng minh.

Cuối cùng, vào tháng 10/1979, Reed cử bác sĩ riêng Benjamin H. Kean đến Cuernavaca, Mexico để kiểm tra cho Vua Pahlavi. Ông mắc bệnh ung thư. Kean xác định rằng Vua Pahlavi cần điều trị trong vòng vài tuần ở Mexico.

Nhưng khi Reed kết nối bác sĩ với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một kết luận khác được đưa ra: tính mạng của Vua Pahlavi đang bị đe dọa và chỉ một bệnh viện ở New York có khả năng cứu sống ông.

Carter miễn cưỡng cho phép Vua Pahlavi đến Mỹ. Đội ngũ của Rockefeller sắp xếp chuyến bay đưa ông tới Fort Lauderdale, Florida ngày 22/10/1979. “Khi tôi nói với nhân viên hải quan hành khách là ai, anh ấy suýt ngất”, Eugene Swanzey, một trong những người phụ trách chuyến bay, kể.

Phòng vệ sinh máy bay bị trục trặc. 4 con chó hiếu động của họ nhảy lên tất cả mọi người. “Một con chưa tắm trong vài tuần và nó bốc mùi kinh khủng”, Swanzey kể.

Khi Reed đưa Vua Pahlavi vào bệnh viện ở New York, ông rất thận trọng. “Tôi là một người Mỹ không thể tiết lộ danh tính”, ông nói với các nhân viên tại bệnh viện.

Sinh viên Iran xông vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran tháng 11/1979. Ảnh: AFP.
Sinh viên Iran xông vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran tháng 11/1979. Ảnh: AFP.

Giận dữ vì Washington cho phép Vua Pahlavi đến Mỹ, ngày 4/11/1979, hàng trăm sinh viên Hồi giáo xông vào đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Tehran, giữ 52 người làm con tin.

Reed, Rockefeller và Kissinger gặp nhau ba ngày sau khi khủng hoảng con tin nổ ra. Nhà Trắng yêu cầu Vua Pahlavi rời đi càng sớm càng tốt. Cuộc sống của Vua Pahlavi ở New York không thoải mái như ông tưởng tượng. Ông bị theo dõi sát sao, các sinh viên Iran học tập tại Mỹ tập trung bên ngoài bệnh viện để hét lên “Đi chết đi”.

Ngày 15/12/1979, Vua Pahlavi rời Mỹ để đến Panama và sau đó tới Ai Cập. Ngày 27/7/1980, ông qua đời tại Cairo ở tuổi 60.

Dự án Đại bàng chuyển sang mục tiêu mới: giúp Rockefeller không bị đổ lỗi gây ra khủng hoảng con tin. Rockefeller và 9 người khác họp tại một câu lạc bộ ở New York ngày 19/8/1980. Một số người cảnh báo rằng Rockefeller không thể thoát bị truy cứu.

Tuy nhiên, Kissinger trấn an Rockefeller. Mỹ khi đó đang trong mùa tranh cử và theo Kissinger, quốc hội không bao giờ tổ chức điều tra trong quãng thời gian này. “Tôi nghĩ là chúng ta không gặp rắc rối nữa đâu”, Kissinger nói.

Tháng 9/1980, Iran nêu 4 điều kiện để thả con tin, gồm: Mỹ phải trao trả mọi tài sản cá nhân thuộc về Vua Pahlavi, giải phóng tài sản bị đóng băng của Iran ở Mỹ, hủy bỏ các yêu cầu bồi thường mà Washington từng đưa ra và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

Nhờ trung gian là các nhà ngoại giao Algeria, hiệp định Mỹ – Iran về giải phóng con tin được ký kết ngày 19/1/1981. Sau 444 ngày, 52 con tin được trả tự do vào 20/1, cùng ngày Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức.

Vài ngày sau, luật sư của Carter gọi cho Rockefeller để hỏi thỏa thuận giải phóng con tin ảnh hưởng đến ngân hàng Chase như thế nào. “Rất ổn”, Rockefeller nói. “Tốt hơn chúng tôi tưởng nhiều”.

 Phương Vũ (Theo NYTimes) – Vnexpress