Chi phí điều trị Covid-19 đắt đỏ tại Mỹ

Danni Askini, ở Boston, bàng hoàng khi nhận được hóa đơn xét nghiệm và điều trị Covid-19 lên tới gần 35.000 USD.

Cuối tháng 2, Danni Askini đột nhiên thấy tức ngực, khó thở và đau nửa đầu. Cô gọi điện cho bác sĩ ung bướu của mình. Bác sĩ cho rằng Danni đang phản ứng với loại thuốc mới sử dụng, vì vậy đưa cô tới phòng cấp cứu khu vực Boston. Cô được chẩn đoán mắc viêm phổi và cho về điều trị tại nhà.

Vài ngày sau đó, nhiệt độ cơ thể tăng giảm đột ngột, Askini bắt đầu có những cơn ho với nhiều đờm trong phổi hơn. Nhiều lần tới phòng cấp cứu, cô cuối cùng cũng được xét nghiệm khi các bác sĩ đã nắm được các triệu chứng. Ba ngày sau Danni nhận được kết quả: dương tính với nCoV.

Hóa đơn xét nghiệm và điều trị lên tới 34.927 đô. Cô khá bất ngờ, nói: “Tôi không biết ai khác mất số tiền lớn như vậy”.

Cũng giống 27 triệu người dân Mỹ khác, Askini vào bệnh viện mà không có bảo hiểm. Cô cùng chồng đã lên kế hoạch chuyển tới thành phố Washington tháng này để bắt đầu công việc mới, tuy nhiên giờ bị hoãn lại vô thời hạn. Cô đang xin hỗ trợ từ Medicaid và mong có thể giúp chi trả hóa đơn viện phí. Nếu không cô sẽ gặp rắc rối.

Nhân viên y tế tại Seattle vận chuyển người tử vong vì Covid-19. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế tại Seattle vận chuyển người tử vong vì Covid-19. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia y tế công cộng dự đoán là hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu người trên khắp nước Mỹ có khả năng sẽ phải nhập viện vì Covid-19 trong tương lai gần. Tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa động chạm tới vấn đề này. Hôm 18/3, Quốc hội thông qua Đạo luật ứng phó với dịch bệnh bao gồm miễn phí xét nghiệm, nhưng lại không đề cập gì tới chi phí điều trị.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 không cần nhập viện và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), những bệnh nhân phải vào trung tâm hồi sức tích cực (ICU) có thể chịu mức viện phí rất cao, bất kể loại bảo hiểm mà họ sử dụng. Trong lúc chính phủ vẫn đang nghiên cứu các gói hỗ trợ, việc giải tỏa gánh nặng về kinh tế gây ra bởi dịch bệnh là vô cùng quan trọng.

Ở Mỹ, hệ thống bảo hiểm y tế cực kỳ phân mảnh, nên rất khó xác định chi phí điều trị Covid-19 sẽ ở mức nào vì còn thuộc vào gói bảo hiểm mà bệnh nhân sử dụng. Chi phí điều trị trung bình có thể từ 9.763 USD lên tới 20.292 USD cho những người có bảo hiểm lao động, và mức khấu trừ (số tiền bệnh nhân phải trả trước khi được tính bảo hiểm) vào khoảng 1.655 USD theo số liệu năm ngoái của Health Pocket. Đối với bảo hiểm cá nhân, mức khấu trừ có thể còn cao hơn. Mức khấu trừ trung bình cho gói bảo hiểm cá nhân hạng đồng năm 2019 là 5.861 USD.

Một số bảo hiểm có chính sách đồng thanh toán. Có nghĩa, bệnh nhân phải trả 15-20% tổng chi phí khám chữa bệnh nếu khám ở bệnh viện trong cùng hệ thống. Con số này có thể cao hơn rất nhiều nếu là bệnh viện ngoài hệ thống. 

Vấn đề nhức nhối nhất là đối với các bệnh nhân không có bảo hiểm, số tiền họ sẽ phải chi trả là vô cùng lớn. Các bang trên toàn nước Mỹ đang thực hiện rất nhiều chính sách để giảm tải gánh nặng về tài chính cho các bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu trong nền y tế nước Mỹ. Kể cả khi không phải hứng chịu đại dịch, người dân vẫn phải chấp nhận chi phí y tế vô cùng đắt đỏ so với các nước khác trên toàn thế giới. Hàng triệu người thậm chỉ đã ngưng các chăm sóc y tế vì không có khả năng chi trả. 

Trong lúc dịch Covid-19 đang càn quét nước Mỹ, rất nhiều người dân phải đối mặt với hóa đơn viện phí khổng lồ. Nhưng hạn chế vấn đề đó bằng việc tránh xét nghiệm và điều trị sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự bùng phát của dịch bệnh. Nước Mỹ vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng.

Linh Phan (Theo Time) – Vnexpress