Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao?

Chỉ trong vòng 2 tuần đầu năm 2021, tài sản của các tỉ phú USD của Việt Nam tăng thêm hàng trăm triệu USD.
Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao? - Ảnh 1.

Tính theo thời gian thực đến ngày 17-1, tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Tập đoàn Vingroup – VIC ) đã tăng thêm 200 triệu USD so với hồi đầu năm 2021, đạt con số 7 tỉ USD.

So với thời điểm tháng 4 năm trước, khi Forbes công bố danh sách tỉ phú toàn cầu năm 2020, đến nay tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 1,4 tỉ USD. Hiện ông Vượng đang đứng vị trí thứ 286 trong danh sách các tỉ phú thế giới, không thay đổi so với năm trước.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Vingroup tăng 3%, và đang nằm mức 111.200 đồng/cổ phiếu. Hiện doanh nghiệp này đang dẫn nhì về vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán khi sở hữu hơn 376,126 tỉ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank.

Cách đây nửa tháng, nhóm nhà đầu tư do Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đại diện đã đầu tư khoảng 203 triệu USD để nắm cổ phần thiểu số tại CTCP Đầu tư kinh doanh VCM Holding – công ty mẹ của CTCP Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec thuộc Tập đoàn Vingroup.

Việc nắm khối lượng cổ phiếu tại Vingroup đã giúp ông Vượng giữ chắc ngôi vị người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao? - Ảnh 2.

Cũng trong 2 tuần qua, tài sản của bà chủ Hãng hàng không Vietjet Air (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng thêm 200 triệu USD, lên 2,7 tỉ USD. Bất chấp tác động nặng nề do COVID-19 đối với ngành hàng không, trong một năm qua, tài sản của bà Thảo tăng thêm 600 triệu USD, hiện đứng vị trí 1.127 trong bảng xếp hạng tỉ phú thế giới, rớt 126 bậc so với hồi tháng 4-2020.

Trong hai tuần giao dịch đầu năm nay, cổ phiếu VJC đã tăng gần 6%, hiện có giá 125.000 đồng, vốn hóa thị trường hơn 69.041 tỉ đồng, cao gấp 1,5 lần vốn hóa của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao? - Ảnh 3.

Một gương mặt đáng chú ý trong câu lạc bộ tỉ phú là “vua thép” Trần Đình Long (chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – HPG) khi giữ khối tài sản ròng hơn 2,1 tỉ USD, tăng 100 triệu USD so với hồi đầu năm. Vậy chỉ trong vòng một năm qua, tài sản của “vua thép” thêm cả tỉ USD, giúp ông Long bước vào danh sách tỉ phú thế giới với thứ hạng 1.756. 

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HPG tăng 7%, tính từ thời điểm COVID-19 bùng phát cho đến nay mã chứng khoán này đã hồi phục và tăng vọt hơn 150%.

Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao? - Ảnh 4.

Ông chủ Ngân hàng Techcombank – tỉ phú Hồ Hùng Anh – cũng tăng thêm 200 triệu USD trong vòng nửa tháng đầu năm 2021, lên mốc 2 tỉ USD, đứng hạng 1.990 tỉ phú thế giới.

Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao? - Ảnh 5.

Thời gian qua tài sản của ông Trần Bá Dương (chủ tịch Tập đoàn Thaco) và gia đình vẫn giữ mức tài sản 1,5 tỉ USD.

Chỉ hai tuần đầu năm, tài sản các tỉ phú đôla Việt Nam tăng vọt ra sao? - Ảnh 6.
Ông Nguyễn Đức Thụy (thứ 2 từ phải qua) trong một sự kiện bóng đá – Ảnh: HIẾU NGUYÊN

Một gương mặt mới cũng đáng được chú ý là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) có khả năng lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, khi dự định gia tăng lượng nắm giữ cổ phiếu Thaiholdings (THD), trong bối cảnh cổ phiếu này tăng trưởng.

Trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này, ông Thụy nắm 10,78 triệu cổ phiếu. Mới đây, bầu Thụy cũng có động thái nhằm nâng số cổ phiếu sở hữu. Nếu giao dịch thành công, ông Thụy sẽ giữ hơn 85,91 triệu cổ phiếu Thaiholdings. Tính theo giá thị trường, tổng số cổ phiếu trên có giá trị hơn 10.730 tỉ đồng, đưa ông Thụy tiến sát top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Tuần qua (từ ngày 11 đến 15-1-2020), chỉ số chứng khoán VN-Index ngấp nghé chạm đỉnh lịch sử 1.200 điểm, neo ở mức 1.194,2 điểm, tăng 26.51 điểm (+2.27%) so với tuần trước.

Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 17.434 tỉ đồng, cao nhất lịch sử.

Trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2.055 tỉ đồng, tổ chức trong nước bán ròng 196 tỉ đồng, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 802 tỉ đồng, tự doanh mua ròng 1.449 tỉ đồng.

Điểm tích cực là gần 1.000 tỉ đồng, trong đó có dòng vốn ngoại rất lớn đổ vào thị trường chứng khoán Việt thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Theo BÔNG MAI – Tuổi Trẻ