Chạy trốn khỏi thành phố -50 độ C

Giống nhiều người trẻ ở Magadan, Dinat Yur chán ngấy cuộc sống ở thành phố có 6 tháng mùa đông và nhiệt độ xuống tới -50 độ C. 

“Tôi mơ được rời khỏi đây. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa”, Yur, đầu bếp 29 tuổi, nói về thành phố Magadan lạnh giá ở phía bắc Nga, cách Moskva hơn 5.700 km, nơi có nhiệt độ trung bình năm luôn dưới 0 độ C. 

Sinh ra và lớn lên ở thành phố nổi tiếng lạnh giá với nhiệt độ có thể giảm tới -50 độ C, Yur tìm thấy niềm đam mê với công việc đầy thách thức: làm kem. Nhiệt độ dưới mức đóng băng khiến Yur gặp khó khăn khi trộn hỗn hợp gồm sữa, đường và mâm xôi nhập khẩu để làm món kem ốc quế kiểu Italy. 

Yur thừa nhận ăn món kem này ở ngoài trời vào mùa đông buốt giá ở Magadan không phải ý tưởng hay, bởi kem sẽ nhanh chóng rắn lại không khác gì cục đá lạnh, nhưng “mọi người ở đây thích ngồi trong nhà, xem tivi và thưởng thức món kem này”. 

Tình yêu của người Nga dành cho kem thể hiện cách đất nước này tìm cách chiến thắng thời tiết khắc nghiệt và điều kiện khó khăn khác. Người ta thường lan truyền câu chuyện rằng khi lãnh đạo Anh Winston Churchill thăm Moskva năm 1944 và thấy nhiều người ăn kem trên đường phố phủ đầy tuyết trắng, ông đã tuyên bố rằng “dân tộc này không bao giờ bị đánh bại”.

Nhiệt độ vào mùa đông ở Moskva thường khoảng -6 độ C, vẫn “ấm áp” hơn rất nhiều so với mức nhiệt ở Magadan, thành phố nằm trên vịnh băng giá nhìn ra Biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản, từng nổi tiếng với các trại lao động khổ sai (gulag) dưới thời Stalin.

Năm 1991, Magadan có 155.000 dân, trong đó có nhiều người là con cháu của tù nhân, lính gác hoặc cựu quan chức quản lý và di dân từ nơi khác đến đây theo chế độ đãi ngộ diện “kinh tế mới” thời Xô Viết. Nhưng khi Liên Xô tan rã, các khoản trợ cấp bị cắt giảm, nhiều nhà máy đóng cửa, nhiều người lũ lượt rời bỏ Magadan, thậm chí từng có ý kiến muốn đóng cửa thành phố.

Dinat Yur làm kem trong một nhà hàng địa phương ở thành phố Magadan. Ảnh: NY Times.
Dinat Yur làm kem trong một nhà hàng địa phương ở thành phố Magadan. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm điều ngược. Thay vì đóng cửa, ông tìm cách giữ các tiền đồn hẻo lánh phía bắc bằng mọi giá. Ngoài lý do về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, kinh tế là điều Putin tính đến, bởi hầu hết nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga đều nằm sâu dưới lớp băng tuyết ở những nơi như Magadan và các vùng hoang sơ gần đó.

Chính phủ liên bang hỗ trợ các chuyến bay hàng ngày đến và đi từ Moskva và tài trợ xây dựng nhiều con đường mới, khu phức hợp thể thao và cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao. Trợ cấp của chính phủ cũng giúp lãi suất thế chấp thấp hơn nhiều so với các vùng ấm áp hơn ở Nga.

Từ năm 2016, Moskva đã cấp đất miễn phí ở Magadan và nhiều vùng dân cư thưa thớt khác ở vùng Viễn Đông. 400 người đã được nhận đất ở Magadan, nhưng chủ yếu là người dân địa phương, không có người định cư từ bên ngoài như kỳ vọng của Điện Kremlin.

Thành phố giờ đây đang cố gắng xây dựng lại với hình ảnh vui tươi hơn như “trái tim vàng của Nga”, với mỏ vàng dưới dãy núi gần đó. Nhưng thay vì hối hả tìm tới Magadan, người Nga chỉ muốn tránh xa nơi đây. Sự hối hả duy nhất có thể thấy là cuộc “chạy trốn” khỏi thành phố băng giá này. 

Sau nhiều năm dân số Magadan liên tục sụt giảm khoảng hơn 40%, thị trưởng Yuri Grishin cho biết số cư dân hiện tương đối ổn định ở mức 91.000 người. Phần lớn người rời đi là giới trẻ, trong đó có ba con của chính thị trưởng Grishin đang sống ở Moskva. Grishin không hiểu tại sao nhiều người luôn từ bỏ Magadan để chọn thủ đô, nơi họ “phải sống trong căn hộ bé xíu hay chịu đựng ba giờ tắc đường mỗi ngày”.

Ngoại trừ thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống ở Magadan không thua kém nhiều thành phố, thị trấn khác ở Nga, thậm chí có nhiều điểm tốt hơn. Thành phố có ba rạp chiếu phim, bể bơi công cộng trong nhà, nhà thờ Chính thống giáo lớn với mái vòm lấp lánh, đặc trưng cho thiết kế đô thị dưới thời Tổng thống Putin. Ngoài ra, biến đổi khí hậu bắt đầu làm mùa đông nơi đây dễ chịu hơn. Giờ đây, tuyết ở Magadan chỉ bắt đầu rơi dày từ cuối tháng 11.

Nhà thờ Holy Trinity ở trung tâm thành phố Magadan. Ảnh: NY Times.
Nhà thờ Ba Ngôi ở trung tâm thành phố Magadan. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, suy nghĩ “chạy trốn” xuất hiện nhiều tới mức nhiều nhà xã hội học địa phương cho rằng người dân Magadan mắc “hội chứng cuộc sống bị trì hoãn”. Đây là trạng thái tâm lý khi người ta mất hy vọng hay tham vọng vào cuộc sống hiện tại và phải đánh cược vào tương lai.

“Mọi người luôn nghĩ họ chỉ ở đây tạm thời và sẽ có được cuộc sống trọn vẹn khi rời đi”, Andrei Grishan, 31 tuổi, người sáng lập và biên tập cổng thông tin trực tuyến Vesma Today, nói. Grishan cùng vợ mới cưới không phải ngoại lệ, khi muốn rời đi vào thời điểm nào đó.

Dù Magadan may mắn có trữ lượng vàng bạc và tài nguyên thiên nhiên lớn, điều kiện ở nơi đây khắc nghiệt tới mức nhiều nhà kinh tế vẫn đặt câu hỏi có nên giữ nó là thành phố hay biến thành một trung tâm trung chuyển cho công nhân hợp đồng tới khai thác mỏ.

Nếu không còn vai trò đô thị, Magadan sẽ trở về vai trò ban đầu khi được thành lập năm 1929, đó là cảng biển, nơi các nhà địa chất và tù nhân lao động cải tạo đi qua để tới mỏ vàng Kolyma. Ngày nay, cư dân Magadan vẫn gọi phần còn lại của Nga là “đại lục”, bởi thành phố này giống như một hòn đảo bị cô lập. 

Công nhân dọn tuyết ở thành phố Magadan. Ảnh: NY Times.
Công nhân dọn tuyết ở thành phố Magadan. Ảnh: NY Times.

Nhiều người trẻ rời đi khiến Magadan rơi vào cảnh thiếu hụt lao động lành nghề. Thị trưởng cho biết thành phố này cần hơn 20.000 lao động cho lĩnh vực xây dựng và nhiều ngành nghề khác. Magadan hiện khắc phục tình trạng này bằng cách thuê công nhân hợp đồng ngắn hạn.

“Thật buồn khi nhiều người vẫn giữ thành kiến rằng Magadan là một trại tù lớn. Thành phố này đang dần trở thành nơi tươi sáng và hạnh phúc”, Grishin nói.

Tuy nhiên, Yur không cảm thấy như vậy. Mỗi mùa hè, anh đều cố gắng du lịch địa điểm nào đó ở châu Á, nơi gần Magadan hơn châu Âu hoặc phần còn lại của nước Nga. Và mỗi lần trở về nhà luôn là thử thách đầy khó khăn với anh.

“Khi trở về, tôi lại rơi vào trầm cảm”, Yur nói.

Thanh Tâm (Theo NY Times) – Vnexpress