Châu chấu kín đặc ở Somalia

Hàng chục nghìn hecta hoa màu bị châu chấu tàn phá, chính quyền Somalia nhận định dịch tồi tệ nhất trong 25 năm qua.
Somalia bùng phát dịch châu chấu tồi tệ nhất trong 25 năm
Châu chấu sa mạc xâm chiếm Somalia và Ethiopia. Video: Sharjah24 News.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), tổng cộng 70.000 ha đất nông nghiệp ở Somalia và quốc gia láng giềng Ethiopia đã bị tàn phá bởi châu chấu sa mạc, đe dọa sinh kế của người dân địa phương và nguồn cung lương thực của cả hai quốc gia. Riêng ở Somalia, đây là dịch châu chấu tồi tệ nhất trong 25 năm qua và được dự đoán là còn tiếp tục lan rộng.

Trung bình, mỗi bầy châu chấu có thể phá hủy lượng cây trồng đủ để nuôi sống 2.500 người trong cả năm, FAO cho biết. Quy mô dịch quá lớn khiến các biện pháp kiểm soát côn trùng trước đây như phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không thể thực hiện được.

“Tôi kỳ vọng thu hoạch 3.000 kg ngô và teff (một loại ngũ cốc) trong năm nay, nhưng do dịch châu chấu và mưa trái mùa, tôi chỉ thu được 400 kg ngô và 200 kg teff, không đủ để nuôi sống gia đình”, Ashagre Molla, 66 tuổi, một nông dân ở vùng Woldia, phía đông bắc thủ đô Addis Ababa của Ethiopia cho biết.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới dịch. Các kiểu thời tiết thay đổi nhanh chóng và không theo quy luật, dẫn đến mưa lớn và lũ bất thường trong vài tháng qua ở Đông Phi khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều so với FAO dự đoán.

Châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria) được xem là loài phá hoại sản xuất nông nghiệp trong nhiều thế kỷ qua. Chúng phân bố rộng khắp châu Phi, châu Á và khu vực Trung Đông. Loài côn trùng này có thể phát triển từ 2 đến 5 lứa mỗi năm và thường sống thành từng đàn lớn.

Đoàn Dương (Theo Reuters) – Vnexpress