Chấn thương kiểu Việt Nam

Việc Đình Trọng, Xuân Trường rồi Duy Mạnh… chấn thương không đơn thuần do đen đủi, mà phần nào đó từ sự bất cập trong cách vận hành của bóng đá Việt Nam. 

Nếu lấy trận chung kết U23 châu Á 2018, tức là thời điểm khởi phát rực rỡ của lứa cầu thủ tài năng hiện nay, có một thống kê đáng lo ngại: sáu trong 11 cầu thủ thường xuyên đá chính đã và đang phải chữa trị chấn thương. Đó là chưa tính đến Đoàn Văn Hậu – cầu thủ đang thi đấu ở Hà Lan và gần đây cũng chấn thương phải nghỉ vài tuần.

Chấn thương thì không có gì lạ với cầu thủ, nhưng các trường hợp của lứa U23 nói trên có một điểm chung rất đáng lo ngại. Họ chấn thương trong tình huống đơn giản nhất, hoàn toàn không đến từ một va chạm có tính triệt hạ nào của đối phương. Phan Văn Đức, Lương Xuân Trường xuất phát từ buổi tập. Quang Hải, Văn Thanh bị đau khi thi đấu. Đình Trọng, Duy Mạnh chỉ va chạm nhẹ là rời sân. Những chấn thương kiểu như vậy có cùng một kết quả: phải giải phẫu, chữa trị dài hạn và thường cần rất nhiều thời gian để tìm lại cảm giác đỉnh cao, và đặc biệt là rất dễ tái phát.

Đình Trọng (trái) chưa khi nào tìm lại được phong độ và thể trạng tốt nhất sau chấn thương dây chằng hồi tháng 6/2019. Ảnh: Đức Đồng.
Đình Trọng (trái) chưa khi nào tìm lại được phong độ và thể trạng tốt nhất sau chấn thương dây chằng hồi tháng 6/2019. Ảnh: Đức Đồng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không rơi vào một nhóm cầu thủ có ảnh hưởng lớn đến thành tích của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua. Điều này, ít nhiều cũng khiến chúng ta liên hệ đến yếu tố thi đấu quá nhiều của họ. Theo thống kê của , nhóm cầu thủ trụ cột lứa U23 trong năm 2019 thi đấu hơn 50 trận, tính cả vòng chung kết U23 châu Á. Cũng những con người đó, đá số trận đấu tương đương trong năm 2018.

Nếu chỉ xét về con số, trên dưới 50 trận chưa phải là quá nhiều, đặc biệt là với những cầu thủ ở độ tuổi sung sức 20 đến 23. Nhưng đi sâu vào chi tiết, thì con số ấy lại mang nhiều áp lực hơn cả các cầu thủ chuyên nghiệp đang chơi bóng ở châu Âu. Ví dụ như nhóm cầu thủ của năm 2018, họ thi đấu bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị tháng 12/2017, chơi hết giải U23 châu Á 2018 là về đá V-League, kế tiếp là Asiad 2018, rồi trở lại V-League trước khi tập trung cho AFF Cup và Asian Cup diễn ra sát nhau. Nghĩa là, nhiều người trong số họ phải làm việc liên tục với quả bóng trong 26 tháng – tức là gần 100 tuần liên tục. Trước giải U23 châu Á 2020, lịch hoạt động của bóng đá Việt Nam các năm 2018 và 2019 hầu như không có giai đoạn nghỉ nào quá một tuần lễ.

Có một thống kê khác: Những cầu thủ từng có mặt ở trận chung kết U23 châu Á 2018 mà đến nay chưa chấn thương nặng thì nằm trong diện ít phải thi đấu sau đó. Ví dụ như Hà Đức Chinh, việc tiền đạo này ít được vào sân ở Đà Nẵng thi đấu tại V-League có lẽ cũng là lý do khiến anh chơi thành công khi khoác áo U23. Hoặc với Công Phượng, hầu như không thi đấu suốt năm 2019 nên hiện sung sức trong màu áo CLB TP HCM. 

Trong điều kiện của bóng đá Việt Nam, khi năng lực giám sát y tế cơ sở, chất lượng sân bãi, chế độ dinh dưỡng… còn chưa phát triển đồng bộ, thì không thể lấy số trận đấu của cầu thủ châu Âu làm thước đo, mà phải tính đến mật độ thi đấu quá dày của một nhóm cầu thủ để cần có sự điều chỉnh đến từ những người có trách nhiệm.

Ví dụ như hiện nay, đa số cầu thủ Việt Nam chỉ chơi trung bình 20 đến 25 trận mỗi mùa và mật độ luyện tập ở CLB chỉ khoảng 100 ngày mỗi năm. Về lý thuyết, những cầu thủ bình thường này sẽ có nền tảng thể lực tốt hơn nhóm cầu thủ lên tuyển thường xuyên. Nhưng các tuyển thủ quốc gia đang chơi với số lượng 50 trận mỗi mùa, tập gần 200 ngày mỗi năm khi về CLB vẫn phải cố gắng chơi tốt hơn các đồng đội, qua đó duy trì suất lên tuyển. Như vậy, cường độ thi đấu đã cao, mà áp lực còn lớn hơn nhiều, chưa nói đến những tác động tâm lý khi lo sợ đánh mất vị trí cũng ảnh hưởng đến tình trạng thể lực. Đó là một vòng lặp nguy hiểm. Dù nó bảo đảm sự ổn định cho đội tuyển, hậu quả thì cầu thủ phải nhận đủ.

Có thể V-League không giới thiệu được thêm cầu thủ giỏi, nên HLV Park Hang-seo phải liên tục triệu tập những gương mặt quen thuộc. Nhưng gọi cả những cầu thủ vẫn đang trong giai đoạn hồi phục chấn thương, hoặc chờ đến tận phút cuối để hy vọng cầu thủ sẽ đá được, thì không phải là điều nên làm. Vấn đề là hiện nay VFF cũng không “dám” can thiệp vào các quyết định nhân sự của HLV Park Hang-seo. Các kế hoạch tập huấn, thi đấu nối tiếp nhau. Cầu thủ đã lên tuyển vẫn phải xuống đá cho U23. Không thấy vai trò của những nhà quản lý trong vấn đề sức khỏe cầu thủ. Các bài kiểm tra y tế khi lên tuyển thường chỉ có giá trị nhất thời, không thể đánh giá được khả năng dễ bị tổn thương cơ thể hoặc tâm lý do quá tải trong quá trình thi đấu.

Sức ép từ dư luận cũng tác động đến các quyết định này. Khi để Hà Đức Chinh ngồi dự bị, lập tức HLV Lê Huỳnh Đức bị đánh giá là “trù dập”. Một số tân binh của đội tuyển quốc gia, dù chỉ mới được gọi lên để tập luyện, ngay lập tức đã chịu áp lực khi bị so sánh với nhóm cầu thủ U23 trước đây. Các áp lực về thành tích cũng tác động không nhỏ đến cách dùng người của HLV Park Hang-seo khi ông không còn mạo hiểm tạo không gian thử nghiệm cho những người mới. Số cầu thủ mới càng ít, thì mật độ thi đấu của những cựu binh càng dày thêm.

Song Việt  – Vnexpress