Kết nối với chúng tôi:

Giáo dục

Cha mẹ lên kế hoạch học online lâu dài cùng con

Đã đăng

 ngày

 
Mua cho con chiếc laptop mới, chuyển phòng học sang nơi có sóng wifi mạnh, chị Thu Lan, 43 tuổi, sẵn sàng cho hai con trai học online lâu dài.

Từ đầu tháng 2 khi Hà Nội cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online một tuần trước nghỉ Tết, vợ chồng chị Lê Thị Thu Lan, ở quận Long Biên, đã chuẩn bị học online lâu dài với hai con trai lớp 7 và 11. “Đầu năm 2020 mình làm tạm thời, có gì dùng đó, năm nay phải bài bản hơn để con tiếp thu bài học tốt nhất”, chị khẳng định.

Với con trai lớp 7, chị Lan cho dùng laptop, đặt trên bàn gấp. Do phòng học của con có bàn đi kèm giá sách, sóng wifi yếu nên chị chuyển sang phòng của bố mẹ. Rút kinh nghiệm năm ngoái kích thước laptop khá to, con không đủ diện tích đặt sách, vở viết bài, chị Lan mua thêm chiếc bàn gấp đặt bên cạnh.

Năm ngoái, con trai út sử dụng laptop cũ của bố mẹ nhưng không có camera, chỉ nghe và nhìn được. Những ngày đầu tháng 2, chị phải gửi con sang nhà bác để học nhờ vài buổi. Ra Tết, vợ chồng chị Lan mua chiếc laptop mới để việc học online của con thuận lợi hơn.

Với con trai lớn đang học lớp 11, chị để con học qua phần mềm Zoom được tải về điện thoại. Chị Lan chia sẻ, con lớn học đỡ vất vả vì tính tự giác và chủ động cao hơn. Nếu thời gian học online kéo dài như năm ngoái, chị dự tính mua thêm sách ôn luyện hoặc đăng ký cho con học gia sư để không bị hổng kiến thức lớp 11, làm bước đệm vững chắc cho việc học chương trình lớp 12 năm sau.

Ngay ngày đầu tiên làm việc trở lại (mùng 6 Tết), hai con chị Lan đều học online theo thời khóa biểu chính khóa, buổi sáng 4-5 tiết, từ 7h15 đến 11h45, chiều 1-3 tiết. Chị dậy sớm hơn thường ngày khoảng một tiếng, chuẩn bị đồ ăn nhẹ, hoa quả và nấu sẵn những món chính của bữa trưa cho các con kịp giờ học chiều.

Vì không thể ở nhà cả ngày giám sát, chị “làm công tác tư tưởng” cho hai con, yêu cầu học nghiêm túc. Hàng ngày vào buổi tối, chị đọc hết trao đổi của giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh trên nhóm chat chung, thi thoảng hỏi riêng thầy cô về thái độ học tập và khả năng tiếp thu của các con.

Người mẹ kể, thời điểm này năm ngoái, chị và nhiều phụ huynh rất lúng túng về việc học online. Giờ đọc tin nhắn trong nhóm chung, chị thấy số học sinh gặp trục trặc, không theo học được chỉ 2-3 em mỗi buổi. Ngoài ra, đa số phụ huynh cũng đã thoải mái, tương tác và phối hợp với giáo viên tốt hơn thay vì bày tỏ sự hoang mang về chất lượng cũng như phương pháp học online như trước.

“Dịch bệnh còn kéo dài, tôi nghĩ việc học online sẽ trở thành bình thường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên mình cần sẵn sàng, giúp con có điều kiện học tập tốt nhất có thể”, chị Lan nói.

Học sinh lớp 3, trường Tiểu học Thái Văn Lung, TP Thủ Đức, TP HCM học online môn Toán sáng 18/2. Ảnh: Lê Nam
Học sinh lớp 3, trường Tiểu học Thái Văn Lung, TP Thủ Đức, TP HCM học online môn Toán sáng 18/2. Ảnh: Lê Nam

Tại TP HCM, từ trước Tết Tân Sửu, anh Trần Đức Dũng, ở TP Thủ Đức, đã chuẩn bị tâm thế chuyển sang học online cho con gái học lớp 12 trường THPT Trần Văn Giàu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Quà năm mới của vợ chồng anh cho con gái là chiếc laptop mới có cấu hình mạnh thay vì chiếc điện thoại như dự kiến để phục vụ việc học online.

Năm thứ hai liên tiếp phải học online, anh Dũng lo con bị “hổng” kiến thức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng giữa năm nay. Bởi như quan sát của anh cũng như nghe chia sẻ từ con, hiệu quả học online không thể bằng học tập trung, đặc biệt với các môn thiên về thực hành, rèn luyện như Khoa học tự nhiên. Trong khi đó, kỳ thi cuối cấp thường có tỷ trọng đáng kể kiến thức ở lớp 11.

“Gia đình chỉ cố gắng động viên con hết sức, tạo điều kiện tâm lý và thể chất tốt nhất cho mỗi buổi học. Con đã lớn, tự lập trong việc học rồi nhưng tôi vẫn xin nghỉ phép thêm mấy ngày sau Tết để hỗ trợ khi cần”, anh Dũng nói.

Theo phụ huynh này, nếu kịch bản xấu nhất của Covid-19 như năm 2020 lặp lại, học sinh 12 phải trải qua phần lớn học kỳ II tại nhà, ngành giáo dục cần có thêm nhiều điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Không chỉ tinh giảm chương trình, giảm tải kỳ thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cho kết thúc sớm một số môn học không nằm trong lựa chọn thi tốt nghiệp của học sinh.

“Chẳng hạn học sinh lựa chọn ban Khoa học tự nhiên có thể kết thúc sớm các môn Sử, Địa hoặc ngược lại. Điều này sẽ giúp các em nắm chắc các môn sở trường để phục vụ tốt cho việc học đại học”, anh Dũng đề xuất.

Tương tự, chị Lê Thị Bích Hà, 38 tuổi, ở TP Thủ Đức, cũng lên kế hoạch chi tiết cho việc học ở nhà của con gái lớn lớp 5 và con trai lớp 1. Người mẹ được phân công ở nhà chăm con nên xin nghỉ phép thêm một tuần, cùng với sự hỗ trợ từ ông bà ngoại. Chị Hà viết chi tiết kế hoạch giờ học online theo thời gian biểu cô giáo gửi. Thời gian học tập trung vào buổi sáng, buổi chiều chị cho các bé làm bài tập, nghỉ ngơi giải trí.

“Tầm này năm ngoái tôi phải đánh vật vì vừa trông bé út đang học lớp lá, vừa dạy bé lớn làm bài tập cô gửi. Mọi thứ cứ rối tung lên, nhưng năm nay thì đã có kinh nghiệm và chuẩn bị sẵn nên tôi cũng không mấy lo lắng”, chị Hà nói.

Học online với trẻ tiểu học có lợi thế là kiến thức sách vở không quá khó, cha mẹ chỉ cần cho con học tập nghiêm túc và kiểm tra đầy đủ, trao đổi thường xuyên với giáo viên thì vẫn đảm bảo chất lượng. “Hy vọng đợt dịch này mau qua, tới tháng 3 là các trường hoạt động trở lại. Nếu kéo dài triền miên như năm ngoái thì rất khó với phụ huynh”, người mẹ bày tỏ.

Đến 18/2, hơn 40 tỉnh, thành cho học sinh tiếp tục ở nhà sau Tết Tân Sửu, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học phải lên phương án dạy online phù hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.

Việc học online cũng là chỉ đạo chung của toàn ngành giáo dục. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, “làm chắc chắn và chất lượng hơn năm ngoái”. Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội và các địa phương cũng lên phương án sẵn sàng dạy trực tuyến nếu nghỉ học kéo dài sau Tết Tân Sửu.

Thanh Hằng – Mạnh Tùng – Vnexpress

Rate this post

Giáo dục

Chàng trai giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học số 1 thế giới

Đã đăng

 ngày

Bởi

Là thủ khoa lớp chuyên Toán và Hóa, Minh Quân lại theo đuổi Vật lý, giành học bổng Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhờ thành tích môn này.

Sau khi hoàn thành bài tập Vật lý, Nguyễn Mạnh Quân, 18 tuổi, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chưa đi ngủ ngay. Em mở laptop, tranh thủ vào website của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đọc thêm về các khóa học, câu lạc bộ. Quân muốn hiểu rõ về ngôi trường mình sẽ học vào tháng 9 năm nay.

Trong đợt tuyển sinh của đại học Mỹ vào tháng 3, Quân được MIT trao học bổng trị giá gần 260.000 USD trong bốn năm, tương đương 6 tỷ đồng. Hiện, MIT là đại học số 1 thế giới (theo QS) và đứng thứ 4 tại Mỹ (theo US News and World report). Nhắc đến kết quả này, chàng trai dáng mảnh khảnh chỉ nói: “Em đã thực hiện được giấc mơ trong nhiều năm”.

Nguyễn Mạnh Quân, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng
Nguyễn Mạnh Quân, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Thanh Hằng

Là con thứ trong gia đình trí thức tại Hà Nội, Quân thể hiện thiên hướng học tự nhiên ngay từ nhỏ. Em tò mò về nhiều hiện tượng tự nhiên, đặc biệt hứng thú với vũ trụ. Lên THCS, Quân đọc thêm tài liệu về khoa học, vũ trụ, các thuyết vật lý để tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc.

Đến cuối năm lớp 9, nam sinh bắt đầu định hướng du học vì muốn nghiên cứu chuyên sâu về vật lý tại các quốc gia phát triển. Dù là thủ khoa đầu vào lớp chuyên Toán của chuyên Hà Nội – Amsterdam và thủ khoa chuyên Hóa chuyên Khoa học Tự nhiên, Quân vẫn lựa chọn lớp chuyên Vật lý của Amsterdam.

Năm 2019, Quân tham gia kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn, giành huy chương vàng và là thí sinh cao điểm nhất. Sau đó, em giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý quốc gia khi mới học lớp 11, lặp lại kết quả này khi lên lớp 12.

Quân khao khát được học Vật lý ở những ngôi trường hàng đầu, một trong số đó là MIT. Em đăng ký học hai khóa ôn luyện SAT, lần đầu tiên thi đạt 1510/1600 điểm. Dù thành tích khá tốt, Quân chưa hài lòng, quyết định tự học thêm vài tháng để cải thiện kết quả. Nam sinh luyện đề để quen với cấu trúc và phân bổ thời gian làm bài hợp lý hơn. Nửa năm sau, Quân giành điểm tuyệt đối 1600 SAT.

Tuy nhiên, Quân cho rằng để giành bổng từ MIT, hồ sơ còn thiếu rất nhiều thứ. Học sinh Việt Nam đỗ MIT những năm gần đây đều có giải quốc tế, vì thế Quân quyết tâm bổ sung thành tích cho hồ sơ của mình. Không may mắn cho em vì Covid-19, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2020 bị hủy.

Trong một năm chờ đợi, Quân dành thời gian nâng cao khả năng thực hành vật lý, tìm kiếm cơ hội nghiên cứu và gặt hái thêm thành tích tại những sân chơi khác. Năm 2020, Quân dự thi Olympic Vật lý châu Âu, giành huy chương vàng.

Nguyễn Mạnh Quân giành huy chương vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Ảnh: Báo Giáo dục thời đại
Nguyễn Mạnh Quân giành huy chương vàng tại cuộc thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Ảnh: Báo Giáo dục Thời đại.

Yêu thích Vật lý thiên văn, Quân cùng bạn bè trong trường thành lập Câu lạc bộ Thiên văn để lan tỏa, chia sẻ kiến thức cho người trẻ. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, Quân tổ chức cuộc thi viết luận trực tuyến về khoa học giả tưởng. “Em muốn giúp mọi người có một góc nhìn khác về khoa học, thấy rằng lĩnh vực này cũng thú vị chứ không phải lúc nào cũng khô khan”, Quân nói.

Làm nhiều việc một lúc và đều muốn duy trì kết quả tốt, nam sinh thừa nhận từng gặp khó khăn trong việc cân bằng, giữ cho bản thân trong trạng thái tinh thần tốt. Chính điều này đã khiến Quân nảy ra đề tài cho bài luận chính. “Em đã viết về quá trình tìm hiểu về bản thân, làm sao để làm những điều mình muốn và giữ cân bằng cuộc sống”, Quân chia sẻ.

Trong bài luận, Quân kể về những hoạt động thường ngày như đạp xe, học Muay Thái và thể hiện những khía cạnh khác của bản thân để hội đồng tuyển sinh thấy em không chỉ biết học. Đề tài nghe có vẻ đơn giản, gần gũi, nhưng nam sinh đã mất gần nửa năm để hoàn thành bài luận.

Sau khi nộp hồ sơ vào tháng 11/2020, Quân bắt đầu luyện tập phỏng vấn. MIT và nhiều đại học top đầu của Mỹ thường tổ chức một buổi phỏng vấn online giữa giảng viên hoặc cựu sinh viên với ứng viên xin học bổng. Nội dung phỏng vấn xoay quanh hiểu biết của ứng viên về ngành dự định theo học, lý do chọn trường.

Quân khá bất an. Những lần đầu khi luyện tập với cố vấn, em ấp úng và không thể kéo dài buổi hội thoại. Vì kiệm lời, em không có thói quen lấy ví dụ để minh họa cho những luận điểm mình nói, diễn đạt cũng không trôi chảy. Quân hiểu rằng để đặt chân đến ngôi trường hàng đầu thế giới, em cần vượt qua những ám ảnh tâm lý và khắc phục hạn chế này.

Thời điểm chờ phỏng vấn, Quân đang ôn luyện để thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài giờ học trên lớp, em tự luyện tập phỏng vấn ở nhà hoặc tranh thủ nhờ cố vấn đóng vai giám khảo. Thời gian của những buổi tập từng bước được kéo dài nhờ phản xạ nhanh nhạy và những câu chuyện mà Quân kể. Em đăng ký dự thi IELTS và nhận kết quả 8.0.

Đến khi phỏng vấn chính thức, Quân có thể trò chuyện với giám khảo hơn một tiếng. “Lúc đó, dù chưa biết kết quả, em khá vui mừng vì những gì đã cải thiện được”, Quân nhớ lại.

Mạnh Quân hướng dẫn các em nhỏ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mạnh Quân hướng dẫn các em nhỏ sử dụng kính thiên văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một buổi sáng sớm giữa tháng 3, Quân nhận tin nhắn chúc mừng từ MIT. Trường đồng ý hỗ trợ Quân hơn 64.000 USD mỗi năm. Chàng trai mừng rỡ đến mức khi nhắn tin báo kết quả cho mẹ đã luống cuống, gõ sai liên tiếp. Em cũng được Đại học Princeton (top 1 tại Mỹ, theo US News). Do đã trúng tuyển đại học mơ ước, Quân rút hồ sơ tại các trường còn lại để nhường cơ hội cho các bạn khác.

Mạnh Quân cho rằng, trong bất kỳ hồ sơ du học nào, toàn diện chưa đủ mà cần một mặt nổi bật hơn, khiến mình trở nên khác biệt. Điểm sáng nhất trong hồ sơ của em là thành tích môn Vật lý tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

Nếu được quay lại, Quân sẽ hạn chế nộp hồ sơ vào các trường ở mức an toàn để tập trung cho mục tiêu lớn. “Việc nộp nhiều trường giúp em tăng khả năng trúng tuyển, nhưng lại gây căng thẳng vì phải hoàn thành quá nhiều bài luận phụ”, nam sinh chia sẻ.

Bà Trần Phương Hoa, cố vấn của Mạnh Quân trong quá trình làm hồ sơ du học, đánh giá em có ý chí, sở hữu khả năng làm việc chịu áp lực cao. Ngoài ra, nhờ việc quen với tư duy khoa học, Quân tiếp thu rất nhanh các góp ý. “Với mỗi vấn đề, tôi đóng vai trò gợi mở và góp ý, còn lại Quân nắm bắt ý tưởng và triển khai rất nhanh”, bà Hoa nói.

Sắp tới, Quân đặt mục tiêu đạt kết quả tốt trong cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, kỳ vọng có thể góp mặt trong đội tuyển thi Olympic Vật lý quốc tế. “Em ước mơ học tiếp tiến sĩ, được nghiên cứu Vật lý lý thuyết về vũ trụ”, Quân chia sẻ.

Thanh Hằng – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Cô giáo đưa dự án tin học vươn ra thế giới

Đã đăng

 ngày

Bởi

Lồng ghép dạy kỹ năng sống vào Tin học để sinh viên hứng thú, cô Nguyễn Thị Phương đưa dự án này vào top 50 quốc gia, sau đó dự thi toàn cầu.

Sau khi đọc kỹ phần ghi chú công việc cần hoàn thành trong ngày trên máy tính, cô Nguyễn Thị Phương, 38 tuổi, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), nhận được video do cựu sinh viên, nay là giáo viên mầm non tại Thanh Hóa, gửi về. Trong video, cô giáo dạy kỹ năng xử lý tình huống khi đi lạc cho trẻ 4 tuổi. Các bé chăm chú theo dõi từng hình ảnh được trình chiếu và mô tả của cô giáo, được tham gia xử lý tình huống nên hào hứng, thi thoảng reo lên.

Xem video, cô giáo Phương mỉm cười ưng ý. Để giúp sinh viên, giáo viên mầm non thành thạo khi giảng dạy và đạt hiệu ứng như vậy, cô Phương đã dành 15 tháng tìm tòi, thực hiện dự án tăng cường năng lực dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô Phương dạy tin học cho sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giảng viên và giáo viên mầm non. Để giờ học bớt nhàm chán, cô thường tìm cách lồng ghép kiến thức liên ngành hoặc áp dụng phương pháp mới.

Tháng 8/2019, đọc tin tức về hàng loạt trẻ gặp tai nạn vì giáo viên thiếu kinh nghiệm dạy kỹ năng sống, cô Phương giật mình. Khảo sát sinh viên các lớp sư phạm mầm non, giáo viên và phụ huynh tại các trường, cô giáo nhận ra sinh viên chưa thực sự chú trọng lồng ghép rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ qua các bài dạy, đa số trường chưa có giáo viên chuyên biệt để dạy lĩnh vực này. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng đưa nội dung về kỹ năng sống làm chủ đề xuyên suốt trong quá trình dạy Tin học cho sinh viên sư phạm mầm non.

Để có nguồn tài liệu tin cậy, cô Phương tìm đến đồng nghiệp tại Khoa Giáo dục mầm non của trường, hỏi xin giáo án, bài giảng hoặc nhờ tư vấn về giảng dạy kỹ năng sống. Cô tập trung vào các nhóm kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự lập, thoát hiểm… rồi lên kế hoạch cùng cả lớp thực hiện.

Với mỗi nhóm kỹ năng, cô yêu cầu sinh viên vận dụng khoảng 4-5 phần mềm để hoàn thành bộ học liệu. Chẳng hạn, paint dùng để viết thơ, sáng tác tranh vẽ theo chủ đề bài học, word để soạn giáo án dạy về kỹ năng đó, power point giúp làm bài giảng điện tử. Ngoài ra, cô cũng giới thiệu bộ công cụ trong office 365 để lưu trữ, viết nhật ký học tập, một số phần mềm cắt, ghép ảnh và chỉnh sửa video để giúp sinh viên thể hiện bài giảng phong phú hơn.

“Tôi đặt mục tiêu sau phần tin học này, thay vì chỉ biết sử dụng word, excel hay power point, sinh viên biết thêm nhiều phần mềm khác, đồng thời nắm chắc kiến thức về kỹ năng sống để dạy cho trẻ”, cô Phương nói.

Tuy nhiên, cô giáo gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu hiện thực. Học phần tin học kéo dài 45 tiết, mỗi tuần chỉ có một buổi. Việc xây dựng giáo án như nào để vừa truyền tải hết kiến thức về kỹ năng sống, vừa giúp sinh viên thành thạo tin học là “bài toán khó”.

Cô nghĩ ra cách làm trước các video hướng dẫn sử dụng paint, word, power point và nhiều công cụ khác, đăng lên kênh Youtube cá nhân, tạo khóa học miễn phí để sinh viên có thể xem trước và sau bài học. Thời điểm đó, cô cũng đang hoàn thiện dự án tham gia E-learning, công việc ở trường cuối năm lại bận rộn nên gần như “ôm máy tính cả ngày, chẳng còn thời gian dành cho bản thân”.

Thấy con gái vất vả, liên tục sụt cân, mẹ cô từ Thanh Hóa ra giúp nấu nướng, sắc thuốc bổ cho uống. Hơn một lần cô nghĩ đến việc từ bỏ, “cứ bình thường mà dạy có sao đâu”. Những lúc đó, cô lại cầm điện thoại, xem lại những tin nhắn và video sinh viên gửi về khi thực tập: “Cô ơi, em đi thực tập được mọi người khen lắm, dạy học sinh đều thích thú”, “Em chưa bao giờ được học nhiều công cụ thế này”, “Các thầy cô ở trường còn nhờ em dạy lại”…

“Đọc những dòng này, tôi bình tâm nghĩ lại. Tôi thấy những cái mình làm đang được đón nhận rất tốt, giúp được nhiều người nên có động lực tiếp tục theo đuổi dự án”, cô Phương tâm sự.

Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi, cô Phương giành giải nhất Đại sứ E-learning Việt Nam 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối năm 2019, sau hơn hai tháng triển khai trong quy mô lớp học cho sinh viên, cô Phương quyết định hoàn thiện hồ sơ dự án và gửi dự thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Cục Công nghệ thông tin và Microsoft Việt Nam tổ chức.

Vào tuần cuối của deadline, thấy vợ bận rộn mà không thể sắp xếp công việc gia đình, chồng cô Phương nổi cáu. “Lúc đó tôi chỉ tự động viên thôi cố gắng nốt, được giải hay không thì mình cũng đã làm hết sức, rồi thuyết phục chồng. Rất may, anh hiểu cho tôi”, cô Phương nhớ lại. Kết quả, trong cuộc thi giáo viên sáng tạo năm 2019, cô Phương vào top 50 sản phẩm được đánh giá cao nhất toàn quốc.

Cô Phương định “dừng chân” tại top 50, không mang dự án tham dự thêm các cuộc thi khác vì trong thời gian hoàn thiện hồ sơ trước đó, cô sút 5 kg, không còn thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, được nhà trường thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của người thân, cô quyết định đăng ký dự thi sáng kiến đổi mới toàn cầu trong giảng dạy (Global innovations) do HundrED tổ chức, đang chờ kết quả.

Khi đến với cuộc thi quốc tế, thay vì dự thi cá nhân, cô Phương có thêm sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, các đối tác. Yên tâm hơn về khía cạnh nội dung, chuyên môn, cô Phương tập trung cải thiện hình thức, cách thể hiện dự án qua phần mềm.

Tuy nhiên, cô Phương vẫn gặp bất lợi về mặt ngôn ngữ khi toàn bộ hồ sơ phải chuyển sang tiếng Anh. Mỗi bước làm, cô đều phải nhờ đồng nghiệp phiên dịch và kiểm tra lại. Đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát, các thành viên của dự án gần như chỉ làm việc online nên không thể đạt chất lượng như gặp trực tiếp.

Cuối tháng 1, cô Phương quyết định tổ chức một buổi giao lưu online giữa 8 trường mầm non và chuyên gia tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka. Các điểm cầu lần lượt chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ năng sống cho trẻ và thực hành các hoạt động liên quan đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Buổi giao lưu thành tốt đẹp, cô Phương thở phào, tự nhận mình “liều”.

“Ý tưởng kết nối các lớp học xuyên quốc gia xuất hiện, lên kế hoạch và thực hiện chỉ trong 4 ngày. Tôi đã thử thách khả năng của bản thân khi lo liệu mọi thứ, từ việc thống nhất giáo án, nội dung chương trình, ngày giờ gặp gỡ và cách triển khai”, cô Phương nói.

Cô Phương thuyết trình về dự án của mình tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Phương thuyết trình về dự án tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020, lọt top 50 chung cuộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 15 tháng, dự án của nhóm cô Phương đã hỗ trợ hơn 2.500 thầy cô, giúp 1.200 học sinh mầm non được tiếp cận thông tin về kỹ năng sống và các phương pháp giảng dạy mới mẻ. Hiện, dự án có 12 bộ chủ đề, với hơn 300 tài nguyên. Xuất phát từ mong muốn giúp giờ học tin không nhàm chán, cô Phương thừa nhận “chưa từng nghĩ ý tưởng này sẽ mang dự thi quốc tế”.

Ngoài ghi dấn ấn trong dự án dạy kỹ năng sống, cô Phương còn chủ biên sách, chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tài liệu tham khảo, công bố 28 bài viết trên các ấn phẩm trong và ngoài trường. Năm 2019, cô trở thành đại sứ E-Learning Việt Nam.

TS Trịnh Thị Xim, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đánh giá cao tính thực tiễn của dự án dạy kỹ năng sống qua tin học. “Việc xây dựng kho học liệu về giảng dạy kỹ năng sống có ý nghĩa quan trọng, cần thiết với trẻ mầm non hiện nay”, bà nói.

Cùng quan điểm, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định dự án đã khai thác hiệu quả các giải pháp, nền tảng công nghệ mang tính tích hợp, kho học liệu mang tính tương tác cao.

Sắp tới, cô Phương sẽ bổ sung ngôn ngữ ký hiệu cho tài liệu dự án dạy kỹ năng sống và đưa lên website LMS, đặt mục tiêu giúp học sinh khiếm thính, khiếm thị không có điều kiện đến trường cũng được học tập. “Ngoài các trường mầm non trong nước, tôi cũng muốn kết nối với nhiều trường học dành cho người Việt trên thế giới để chia sẻ miễn phí bộ học liệu này. Tôi mong có thể phần nào giúp đỡ giáo viên mầm non nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, dạy kỹ năng sống một cách thú vị và an toàn”, cô Phương nói.

Thanh Hằng – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp

Giáo dục

Đề nghị điều tra sai phạm tại Đại học Tôn Đức Thắng

Đã đăng

 ngày

Bởi

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuyển toàn bộ “hồ sơ sai phạm” về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, sử dụng tài chính của Đại học Tôn Đức Thắng sang cơ quan điều tra.

Chiều 22/3, ông Vũ Anh Đức (Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, động thái trên được đưa ra theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc cần “làm rõ, xử lý dấu hiệu tiêu cực” tại Đại học Tôn Đức Thắng.

Sau khi làm việc với các tập thể và cá nhân liên quan, sai phạm được cho là “có tính chất rất nghiệm trọng”, bao gồm: thực hiện không đúng các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng, quyết toán đối với các công trình; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

“Chúng tôi nhiều lần đôn đốc cá nhân khắc phục sai phạm, song chưa có kết quả. Quan điểm của Tổng Liên đoàn là xử lý làm sao để thu hồi được tài sản thất thoát hiệu quả nhất, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của trường”, ông Đức cho biết.

Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí chiều 22/3. Ảnh: Hoàng Phương.
Ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời báo chí chiều 22/3. Ảnh: Hoàng Phương.

Về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Vinh Danh (cựu Hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng), đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết vẫn giữ nguyên quyết định cách chức, sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng.

Theo đề nghị của Thành ủy TP HCM, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã chuyển hồ sơ sai phạm liên quan cá nhân ông Danh cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trước đó, trả lời về những cáo buộc sai phạm cơ quan chủ quản công bố khi đưa ra quyết định cách chức mình, ông Lê Vinh Danh nói: “Tôi không sai”.

Về một số dự án đầu tư xây dựng, mua sắm của Đại học Tôn Đức Thắng được cho là không đúng quy định về đấu thầu trong thời gian làm Hiệu trưởng, ông Danh cho biết, khoảng 10 năm nay gần đây, trường triển khai 137 dự án, tất cả đều đấu thầu, chỉ có 3 dự án chỉ định thầu bởi “những lý do riêng”. “Từ năm 2016 đến 2018, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra nhiều lần, nếu chúng tôi làm sai thì họ phải có ý kiến rồi chứ”, ông Danh nói.

Theo ông Danh, Đại học Tôn Đức Thắng từ mô hình dân lập chuyển sang bán công, được quản lý bởi Hội đồng quản trị, sau này là Hội đồng trường. Các Hội đồng này sẽ duyệt chủ trương dự án, Hiệu trưởng lựa chọn nhà thầu, thiết kế, thi công. Do vậy, các dự án của trường từ trước đến nay đều được Hội đồng trường thông qua, có sự cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước. Trường sử dụng vốn có nguồn ngân sách nhà nước, có quyền tự quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm.

Hiện, Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường sau nhiều lần trì hoãn cuộc họp thành lập hội đồng. Đề án thành lập Hội đồng trường do tập thể lãnh đạo trường chuẩn bị, đã được thống nhất trong với các thành viên đương nhiên và đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động.

Dự kiến ngày mai 23/3, trường tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự để bầu Hội đồng trường vào đầu tháng tới.

Ban lãnh đạo trường này hiện có 3 người gồm Phó bí thư phụ trách Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ và ông Trần Trọng Đạo – Phó hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019.

Mạnh Tùng – Hoàng Phương – Vnexpress

Rate this post
Đọc tiếp
Advertisement
Điện ảnhcách đây 7 ngày

CẢ SHOWBIZ VIỆT ĐỔ DỒN VỀ THẢM ĐỎ LỄ RA MẮT  BỘ PHIM “ĐÓA HOA MONG MANH”

Âm nhạccách đây 2 tuần

GIÁM ĐỐC ÂM NHẠC PHIM “ĐÓA HOA MONG MANH”: CÁC CA KHÚC CÓ GIÁ TRỊ VÀ XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC

Điện ảnhcách đây 3 tuần

ĐẠO DIỄN MAI THU HUYỀN BẬT MÍ NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT TRƯỚC KHI “ĐÓA HOA MONG MANH” CÔNG CHIẾU TẠI MỸ

Điện ảnhcách đây 1 tháng

NHÀ SẢN XUẤT “ĐÓA HOA MONG MANH” JACQUELINE THU THẢO HÃNH DIỆN VÌ ĐƯỢC CÁC LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ  ĐÓN NHẬN

Giải trícách đây 1 năm

Đại sứ Saffron-Collagen extra white Amy Lê Anh tham dự chương trình cập nhật kiến thức Y Khoa tại Cần Thơ

Giải trícách đây 1 năm

Diễn viên Mai Thu Huyền tổ chức cuộc thi tìm kiếm “Streamer Siêu đẳng” với giải thưởng “khủng”

Âm nhạccách đây 1 năm

Madam Bạch Phượng-Ceo Phượng Amina Entertainment gửi lời tri ân đến khán giả và các nhà tài trợ “Dạ Vũ Mùa Thu”

Âm nhạccách đây 1 năm

Ca sĩ Amy Lê Anh – Giám đốc CIECA tận hưởng những ngày nghỉ ngơi trên đất Pháp

Tin tứccách đây 2 năm

Tài chính COMB của ngân hàng Phương Đông OCB là công ty tài chính bỉ ổi chuyên khủng bố khách hàng vay dù chưa đến hạn thanh tóan, mọi người cần tránh

Công nghệcách đây 2 năm

Khắc phục lỗi windows 10 mkdir permission denied

Facebook

Advertisement

Tin Nổi bật

    Paste your advertisement code here.