CEO PayME: ‘2021 là cơ hội cho ví điện tử mở’

Thương mại điện tử bùng nổ cùng sự năng động của các nhà cung cấp giải pháp tạo tiềm năng cho ví điện tử mở, theo CEO PayME Lê Hoàng Gia.

PayMe là startup ví điện tử vừa “chào sân” với giải pháp thanh toán mạng xã hội và mô hình ví điện tử mở, giúp người dùng và doanh nghiệp thực hiện lệnh thanh toán từ bất kỳ ứng dụng nào.Trong bối cảnh thị trường thanh toán điện tử có nhiều triển vọng từ năm 2020, ông Lê Hoàng Gia – CEO PayME chia sẻ những góc nhìn về xu hướng thương mại điện tử và giải pháp thanh toán.

– Ông đánh giá thế nào về triển vọng của lĩnh vực thanh toán điện tử, sau một năm 2020 chứng kiến xu hướng mua sắm online mạnh mẽ hơn trước?

– Năm 2020 dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chi tiêu online tại các nước trong khu vực và Việt Nam tăng nhanh chóng. Việt Nam là một trong những nước thương mại mạng xã hội (Social Commerce) phát triển nhất trên thế giới. Năm 2018, giá trị thị trường Social Commerce ước tính là 5,9 tỷ USD, con số của năm 2020 chắc chắn hấp dẫn hơn rất nhiều. Càng nhiều người mua và nhà bán hàng online, số lượng và khối lượng giao dịch tăng lên sẽ khiến thị trường cần đến những giải pháp thanh toán xuyên suốt, hiệu quả và tự động hóa. Đây cũng là cơ hội cho các startup, công ty làm trong lĩnh vực thanh toán.

Ông Lê Hoàng Gia - CEO PayME. Ảnh: PayME.
Ông Lê Hoàng Gia – CEO PayME. Ảnh: PayME.

Trong bối cảnh đó PayME đón đầu xu thế này như thế nào?

– PayME là công cụ thanh toán phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay, xuyên suốt và tự động giữa các nền tảng, còn về chiến lược lâu dài PayME sẽ là một công ty làm về dịch vụ tài chính chứ không chỉ là về thanh toán. Chẳng hạn làm các dịch vụ ứng tiền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ đặt hàng.

Hiện giờ chúng tôi tập trung cho hai nhóm giải pháp chính là thanh toán mạng xã hội (Social Payment) và ví điện tử mở (Open E-wallet) và hoạt động theo mô hình B2B2C.

– Doanh nghiệp hưởng lợi ra sao khi sử dụng ví điện tử mở?

– Với ví mở từ PayME, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều lợi ích bên cạnh phương thức thanh toán. Doanh nghiệp có thể tự quản lý ví riêng, mở rộng các tiện ích cho người dùng như thanh toán điện, nước, bán lẻ; từ đó tăng sự gắn kết, đem ứng dụng của doanh nghiệp trở thành ứng dụng hàng ngày của khách hàng.

Nói một cách cụ thể hơn thì trên giải pháp ví điện tử mở, PayME kết nối các nhà cung cấp dịch vụ về tài chính với doanh nghiệp có giải pháp toàn diện để chăm sóc khách hàng của họ. Mô hình kinh doanh ví mở sẽ không tập trung vào thu phí giao dịch như phương thức thanh toán, khi khách hàng của doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tiện ích từ ví mở, PayME và nhà cung cấp dịch vụ sẽ chia sẻ doanh thu này.

– Vì sao ông đặt niềm tin vào công nghệ ví điện tử mở vốn còn mới lạ ở Việt Nam?

– Hãy lấy ví dụ về Open Banking (ngân hàng mở) đang khá phát triển ở châu Âu nhưng ở Việt Nam mới “chớm nở”. Khi nói chuyện ngân hàng mở ở Việt Nam, nhiều người cho rằng khách hàng của mình sẽ đi qua ngân hàng khác, nhưng thực tế cho thấy khách hàng vẫn sẽ ở lại nếu dịch vụ cốt lõi của bạn phù hợp với nhu cầu của họ.

Người dùng trải nghiệp ứng dụng PayME. Ảnh: PayME.
Người dùng trải nghiệp ứng dụng PayME. Ảnh: PayME.

Trước đây, khách hàng chỉ dùng các dịch vụ truyền thống của ngân hàng, khách hàng chỉ dùng các dịch vụ nội tại của ngân hàng. Nhưng thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng (ví dụ Vietinbank, OCB…) cũng đã mở ra các API của họ để các doanh nghiệp, đơn vị thanh toán có thể tích hợp. Tôi dự đoán, Open e-Wallet (ví điện tử mở) cũng sẽ như thế, đây hoàn toàn là một mảng rất tiềm năng.

– Ông nhận định thế nào về cạnh tranh trên thị trường này khi từ 44 startup Fintech năm 2017, đến hết năm 2020 số lượng startup trong lĩnh vực này đã tăng gấp ba, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thanh toán?

– Đó là một trong những yếu tố làm tăng tính cạnh tranh. Không chỉ có các startup mà các ngân hàng cũng ngày càng chủ động và tích cực số hoá sản phẩm tài chính, nên để thực sự ghi dấu ấn riêng của doanh nghiệp trên thị trường là một thách thức không nhỏ. Quan trọng hơn, hành vi khách hàng đã thay đổi, tiêu chuẩn cao hơn. Thời điểm này, giữ chân người dùng mới là câu hỏi lớn hơn so với việc thu hút người dùng.

– Việc PayME gia nhập thị trường ví điện tử khi đã có những “ông lớn” đang khai thác thị trường có thể gây ra những thách thức như thế nào?

– Ngày nay, người dùng tinh tường hơn vì có sẵn rất nhiều lựa chọn khác nhau, biết nhiều thông tin mới, nguồn tin lại minh bạch, nhanh chóng. Nếu trước đây người dùng chỉ chọn sản phẩm của bạn vì khuyến mãi chứ không vì trải nghiệm sản phẩm, thì bây giờ họ dễ dàng rời đi khi bên khác có cả hai. Điều đó vừa là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp và giải pháp tạo được giá trị riêng. Chúng tôi không chỉ nhanh, mà còn phải sáng tạo và tinh tế hơn, hoặc biết cách cộng sinh trong hệ sinh thái làm nên giá trị thực cho người dùng.

Tìm hiểu thêm về PayME tại đây.

Minh Anh – Vnexpress