Trong tuyên bố sa thải ông Easterbrook, McDonald’s cho biết Hội đồng quản trị công ty đã ra quyết định sau cuộc điều tra kỹ lưỡng mối quan hệ của ông với một nhân viên. Theo chính sách chống quấy rối của McDonald’s, bất kỳ lãnh đạo nào cũng không được phép có mối quan hệ với cấp dưới.
Trong email gửi đến các nhân viên công ty, cựu CEO Easterbrook thừa nhận: “Tôi đã dính vào mối quan hệ đồng thuận gần đây với một nhân viên, điều này vi phạm chính sách của McDonald’s. Đó là sai lầm. Vì những giá trị của công ty, tôi đồng ý với ban quản trị rằng đã đến lúc tôi ra đi”.
Thay thế ông Easterbrook là Chris Kempczinski, người giữ vị trí chủ tịch gần nhất của McDonald’s ở Mỹ.
“Chris tiếp quản công ty vĩ đại này vào lúc công ty đang rất mạnh mẽ, phát triển liên tục”, Enrique Hernandez Jr., chủ tịch McDonald’s., nói trong một thông cáo.
Ông Easterbrook nhận chức CEO của McDonald’s từ tháng 3/2015. Trong thời gian tại chức, ông đã tung ra nhiều chiến lược hiệu quả cho hãng thức ăn nhanh lớn nhất Mỹ này. Ông đã cho sửa sang lại các cửa hàng, đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động của chuỗi nhà hàng như đặt hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, thanh toán trực tuyến và giao đồ ăn nhanh bằng nền tảng gọi xe. Ông Easterbrook cũng chỉ đạo việc thay đổi menu để khách hàng có nhiều trải nghiệm hơn.
Chiến lược của Easterbrook mang lại hiệu quả, doanh số của McDonald’s tăng lên. Giá trị cổ phiếu của công ty đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2015. Điều này gây áp lực không nhỏ đến Kempczinski, vị CEO thay thế Easterbrook. Ông Kempczinski phải tiếp tục đà phát triển mà Easterbrook đã đạt được trong lúc các hãng thức ăn nhanh đang cạnh tranh gay gắt và thị trường dần bão hòa.
Hiện McDonald’s có hơn 38.000 nhà hàng tại 100 quốc gia, trong đó có 14.000 tại Mỹ. Trong những quý gần đây, McDonald là một trong những hãng thức ăn nhanh có hoạt động kinh doanh tốt nhất với doanh số cùng cửa hàng tăng 5,9% toàn cầu, nhiều hơn so với dự đoán của các nhà phân tích.
Sơn Nam (Theo Bloomberg) – Ngoisao.net