Từ ngày 10/1, 10 cán bộ của Đội cảnh sát giao thông (Công an huyện Đức Thọ) chia làm nhiều tổ công tác, tới các công ty, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn huyện để phổ biến Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Đại úy Nguyễn Thành Chung, Đội trưởng CSGT cho biết, do tài xế thường bận việc, nên cán bộ của đơn vị chỉ có thể tranh thủ tiếp xúc với họ vào buổi trưa hoặc tối, mỗi trường hợp làm việc khoảng 20 phút.
“Chúng tôi tặng gia đình tài xế lịch chúc Tết, sau đó phổ biến tác hại của việc uống rượu bia, yêu cầu họ ký cam kết không vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tất cả đều vui vẻ, ủng hộ chủ trương trên. Sau hai ngày, có 30 tài xế đã ký cam kết”, đại úy Chung nói.
Theo tài xế Trần Văn Tâm, vì tính chất công việc, các mối quan hệ, nhiều lúc anh không thể từ chối các cuộc rượu bia. “Từ khi cảnh sát siết chặt quản lý nồng độ cồn, cánh tài xế có lý do để từ chối những lời mời giao lưu”, tài xế cho hay.
Huyện Đức Thọ có hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải. Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý, cùng với việc đến nhà các tài xế đề nghị ký cam kết nêu trên, công an huyện còn rà soát các phương tiện để đưa vào danh sách quản lý, phục vụ cho việc kiểm soát, xử lý tai nạn giao thông, sang tên đổi chủ…
Trong tuần đầu tiên của tháng 1, CSGT Công an Hà Tĩnh đã xử lý 886 trường hợp vi phạm các lỗi về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm… với tổng số tiền hơn 680 triệu đồng. Riêng lỗi vi phạm nồng độ cồn, nhà chức trách đã xử phạt 54 trường hợp với số tiền gần 300 triệu đồng, trong đó có 15 ôtô, 37 xe máy, 2 xe đạp.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.