Căn bếp ‘không ngủ’ trong bệnh viện dã chiến

Từ giữa đêm, căn bếp của Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Hải Dương đã sáng đèn. Mọi người tất bật chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân và y bác sĩ.

Mười người, mỗi người một nhiệm vụ, từ vo gạo, nhặt rau, đến nhóm bếp, thái thịt… Họ phải chuẩn bị bữa sáng xong trước 5h để chuyển đi.

Chưa kịp nghỉ ngơi, mọi người lại hối hả chuẩn bị cho bữa trưa. Bếp ăn phục vụ gần 200 suất cơm gồm: thịt gà, rau củ, thịt lợn luộc, canh,… cho các bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt thêm 15 suất cháo cho các bệnh nhi.

Cô Vũ Thị Nhã, 60 tuổi, bếp trưởng chia sẻ: “Mỗi ngày tôi phải nghĩ xem ăn gì cho đủ chất, đảm bảo vệ sinh và thay đổi thực đơn liên tục để bệnh nhân ngon miệng”.

Trong khu điều trị có các bệnh nhân nhỏ tuổi và một sản phụ vừa sinh, là những trường hợp cần lưu ý. Các cháu nhỏ có thể ăn cháo hoặc cơm, còn sản phụ cần ăn gì, các bác sĩ sẽ báo ra ngoài để bếp chuẩn bị, cô Nhã thông tin thêm.

Bảng ghi số lượng suất ăn phục vụ bệnh nhân và y bác sĩ điều trị Covid-19. Ảnh: Trung Sơn.
Bảng ghi số lượng suất ăn phục vụ bệnh nhân và y bác sĩ điều trị Covid-19. Ảnh: Trung Sơn.

Trong khu bếp dã chiến, đa phần nhân viên tuổi trung niên, thậm chí có người gần 70 tuổi, nhưng vẫn hăng say làm việc không quản ngày đêm. Bà Hào, 68 tuổi, mặc cho gia đình ngăn cản, đều đặn 6h sáng đạp xe 3 km đến khu bếp ăn, 8h tối mới ra về.

“Mấy ngày đầu còn bị lạc đường, tuổi cao, mắt lại kém, người nhà ai cũng phản đối việc tôi đi làm ở bếp ăn nhưng vì tinh thần chống dịch tôi vẫn quyết tâm phục vụ bệnh nhân và các thầy thuốc”, bà Hào chia sẻ. Sau quãng thời gian dài làm việc với cường độ liên tục, có người lả đi vì kiệt sức nhưng cũng chỉ nghỉ ngơi chốc lát, uống tạm hộp sữa rồi lại tiếp tục công việc dang dở.

Ngoài những người đã làm việc lâu năm còn có các sinh viên và một vài y bác sĩ tình nguyện tham gia vào căn bếp này. Chị Hoa đến từ khoa Điều dưỡng của Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tình nguyện tham gia bếp ăn.

“Dịch bệnh khiến thực phẩm khan hiếm hơn và giá cả cũng leo thang, song chúng tôi vẫn cố gắng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân và nhân viên y tế”, chị Hoa tâm sự.

Làm việc tại bếp ăn đa phần là các bác, các cô đã cao tuổi. Ảnh: Trung Sơn.
Làm việc tại bếp ăn đa phần là các bác, các cô đã cao tuổi. Ảnh: Trung Sơn.

Khi những suất cơm trưa vừa chuyển đi, họ lại vội vã dọn dẹp và chuẩn bị nguyên liệu cho bữa chiều. Chỉ khi công việc tạm ổn, mọi người mới tranh thủ ăn vội bát cơm. Lúc này, kim đồng hồ cũng đã điểm hai giờ chiều.

Ít có phút được nghỉ ngơi nhưng ai nấy đều vui vẻ, vừa làm vừa trò chuyện. Cô Nhã trải lòng: “Vì cộng đồng mà chúng tôi quên đi những mệt mỏi, nghe tin có 3 bệnh nhân vừa điều trị khỏi, ai nấy như được tiếp thêm động lực”.

Những suất cơm tối vừa chuyển đi, nhiệm vụ của một ngày hoàn thành, họ lại cùng nhau sơ chế đồ ăn, chuẩn bị nguyên liệu, lên thực đơn cho ngày hôm sau. Một ngày dài của những người đứng bếp khép lại khi đồng hồ gần sang ngày mới.

Bữa cơm trưa vội vàng trong khu bếp dã chiến của các cô hậu cần. Ảnh: Trung Sơn.
Bữa cơm trưa vội vàng trong khu bếp bệnh viện dã chiến của các cô hậu cần. Ảnh: Trung Sơn.

Lê Nga – Vnexpress