Cách kiểm soát Covid-19 của các nước châu Á dịp Tết

Chính phủ các nước ban bố các lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn khi có ca nhiễm, bắt đầu triển khai vaccine dù nguồn cung còn hạn chế.

Khi Covid-19 bùng phát trở lại trên toàn thế giới, niềm lạc quan vào vaccine bắt đầu suy yếu. Các nước đã triển khai tiêm chủng kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Đến nay, số người được tiêm vaccine là 119 triệu, cao hơn so với 105 triệu ca nhiễm toàn cầu. Song nhiều quốc gia đang chật vật đối phó với biến thể virus mới dễ lây truyền hơn.

Châu Âu vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số ca nhập viện và mắc mới của Mỹ đã giảm trong vài tuần sau khi chính phủ phân phối hàng triệu liều vaccine.

Tình hình tại châu Á sáng sủa hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, do công tác xét nghiệm, cách ly và truy vết diễn ra nghiêm ngặt.

Với khoảng 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 31.000 người tử vong, Indonesia là nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Chính phủ đã đóng cửa biên giới với tất cả khách du lịch nước ngoài kể từ tháng trước. Quốc gia cũng áp đặt lệnh hạn chế chặt chẽ hơn ở đảo Java và Bali. Các quán ăn chỉ được phép phục vụ tối đa 25% sức chứa. Trung tâm thương mại phải đóng cửa lúc 7 giờ tối. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên toàn quốc.

Nước này cũng nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng. Tổng thống Joko Widodo ký hợp đồng mua vaccine từ Công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc vào tháng trước. Đến nay, gần 250.000 nhân viên y tế đã tiêm liều đầu tiên. Indonesia đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho 181,5 triệu người vào năm sau.

Cuộc đảo chính tại Myanmar, ngày 1/2 làm phức tạp hoá phản ứng của đất nước đối với Covid-19. Nhiều nhân viên y tế đã ngừng làm việc để xuống đường biểu tình, phản đối quân đội. Các quan chức lo ngại điều này cản trở chương trình tiêm chủng.

Trước đó, nước này nhận được 1,5 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca miễn phí từ Ấn Độ. 27 triệu liều khác dự kiến có mặt ở Myanmar vào tháng 3. Quân đội đã tuyên bố sẽ tiêm chủng cho 38,4 triệu người từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm nay.

Số ca nhiễm mới tại Malaysia tăng mạnh hơn 3.000 trường hợp mỗi ngày trong ba tuần qua. Chính phủ bị chỉ trích vì vẫn để hầu hết các ngành hàng kinh doanh hoạt động bình thường. Chỉ thành phố Putrajaya cam kết phạt tiền và cho phép quân đội bắt giữ người vi phạm quy định y tế. Trong dịp Tết Nguyên đán, nước này ban bố quy định hạn chế các bữa ăn quá 15 người.

Chốt cảnh sát kiểm dịch tại Malaysia. Ảnh: Reuters
Chốt cảnh sát kiểm dịch tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Giới chức cũng huy động các bệnh viện tư nhân tham chiến chống virus. Nhiều cơ sở chuyển đổi một số khu vực, phù hợp điều trị người nhiễm nCoV. 96 trên tổng số 210 bệnh viện tư nhân khắp cả nước đồng ý bổ sung thêm hơn 1.300 giường bệnh thường và 65 giường tại khu hồi sức tích cực để tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn.

Hàn Quốc đang chật vật đối phó với các cụm dịch từ cơ sở tôn giáo. Song số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. Hôm 7/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) báo cáo thêm 289 ca nhiễm mới, lần đầu thấp hơn 300 ca kể từ ngày 23/11.

Dù vậy giới chức vẫn do dự với quyết định nới giãn cách xã hội trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hàn Quốc đã cho phép cho phép khoảng 500.000 nhà hàng và cơ sở kinh doanh bên ngoài Seoul mở cửa muộn hơn 1 tiếng (đến 9 giờ). Thủ đô vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt bởi đây là nơi ghi nhận khoảng 70% số ca Covid-19 cả nước.

Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh thành, trong đó có Tokyo, Osaka và Fukuoka. Lệnh hạn chế được duy trì đến ngày 7/3. Trong cuộc họp báo hồi tháng 1, Thủ tướng Yoshihide Suga phát biểu: “Chúng tôi cần mọi người nghiêm túc suy nghĩ lại về hành động của mình, đặc biệt là các thanh niên độ tuổi 20 hoặc 30 – những người dễ lây lan virus nhất”.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản Toshio Nakagawa cho biết chính phủ không nên ngần ngại kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông lưu ý nhiều bệnh viện đã quá tải đến mức phải đóng cửa. Giới chức đang lên kế hoạch phạt tiền các bệnh nhân Covid-19 không chịu nhập viện, những người khai báo gian dối về lịch sử di chuyển và doanh nghiệp từ chối tuân theo yêu cầu giới nghiêm.

Trung Quốc đã phong tỏa nhiều khu vực và xét nghiệm hàng loạt ở các thành phố có cụm dịch. Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn với khách du lịch quốc tế. Người nhập cảnh cần xét nghiệm âm tính nCoV và cách ly ít nhất 14 ngày tại khách sạn chỉ định.

Người muốn về quê ăn Tết sẽ phải xét nghiệm ít nhất 7 ngày trước khi khởi hành. Về đến địa phương, họ phải cách ly ít nhất 14 ngày. Quy định có hiệu lực từ 28/1, kéo dài đến 8/3.

Người dân Trung Quốc trên một chuyến tàu về quê ăn Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters
Người dân Trung Quốc trên một chuyến tàu về quê ăn Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters

Đặc khu Hong Kong cấm quán ăn hoạt động sau 6 giờ tối, giới hạn số người tham gia các buổi tụ tập cho đến ngày 17/2. Cư dân trong vùng dịch phải xét nghiệm hàng loạt nếu phát hiện ca nhiễm không rõ đường lây.

Ấn Độ đã phê duyệt khẩn cấp hai loại vaccine Covid-19 của AstraZeneca và hãng dược trong nước Bharat Biotech. Đến nay, 4,5 triệu người được tiêm chủng. Nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine cho hơn 300 triệu người vào tháng 8.

Lệnh cấm nghiêm ngặt được áp dụng kể từ tháng 3 năm ngoái khiến mọi hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà để mua các mặt hàng thiết yếu. New Delhi hạn chế các chuyến bay từ Anh cho đến 14/2 để tránh biến thể lây lan.

Thục Linh (Theo Straistimes) – Vnexpress