Tại một khu chung cư ở phía nam thủ đô Trung Quốc, người dân không được phép rời khỏi căn hộ. Lực lượng an ninh và nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ túc trực tại cổng chung cư 24/7.
Nhưng khu phố Bạch Chỉ Phường ở gần đó lại là một thế giới khác. Cửa hàng vẫn mở cửa. Một siêu thị vẫn hoạt động, nơi người dân ra vào thoải mái như không biết gì về đợt bùng phát Covid-19 mới ở thủ đô.
“Lần này chắc hẳn không nghiêm trọng như lần trước”, Johnny Zhao, một người dân đang đi siêu thị tại Bạch Chỉ Phường, nói. “Chính quyền giờ đây có rất nhiều kinh nghiệm”.
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Covid-19 tái bùng phát ở thủ đô, Bắc Kinh đang áp dụng một chiến lược mới. Thay vì phong tỏa toàn bộ như trước đây, họ quyết định chỉ hạn chế phần nào hoạt động của người dân.
Nhiều khu chợ đã bị niêm phong sau khi nhà chức trách phát hiện các ca nhiễm đầu tiên. Hàng chục khu chung cư cũng bị kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Nhưng tại các khu dân cư khác ở Bắc Kinh, các cửa hàng, quán ăn, thậm chí tiệm tóc vẫn mở cửa. Giao thông kém đông đúc hơn bình thường nhưng lượng lớn phương tiện vẫn đi lại trên đường. Vỉa hè vẫn tấp nập người đi bộ.
Các biện pháp mới của Bắc Kinh đối lập với chiến lược phong tỏa hoàn toàn nhằm kiềm chế virus ở tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh tại Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Trong hơn hai tháng, Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt, khiến nó trông không khác gì một “thành phố ma”. Biện pháp phong tỏa giúp kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng khiến nền kinh tế lao đao.
Nếu thành công, cách tiếp cận mới của Bắc Kinh có thể là bước ngoặt định hình chiến lược của Trung Quốc đối phó với các đợt bùng dịch mới trong tương lai.
“Bạn không thể bắt người dân chịu đựng nỗi đau quá dài”, Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở ở New York, Mỹ, bình luận. “Bởi khi đó, bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp và những căng thẳng về mặt cảm xúc. Chúng có thể gây ra tác động rất lớn đến ổn định chính trị, xã hội”.
Chen Teo, 34 tuổi, nông dân trồng rau ở Bắc Kinh, hiểu rất rõ điều này. Công việc kinh doanh của anh tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa đột ngột phải dừng lại do khu chợ bị phong tỏa một tuần trước. Đây là nơi đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm nCoV mới ở Bắc Kinh.
Hồi đầu tuần, anh đẩy chiếc xe chở rau tới bán ở phía bên kia đường, đối diện chợ Tân Phát Địa. Tuy nhiên, vì chính quyền thành phố đã cảnh báo nơi này là khu vực rủi ro cao nên Chen không có bất kỳ người mua hàng nào.
“Tôi có thể làm được gì hơn nữa?”, anh đặt câu hỏi. “Rau quả đã đến kỳ thu hoạch và tôi không thể để chúng thối rữa trên đồng”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa lên tiếng về ổ dịch mới ở Bắc Kinh nhưng ông trước đó liên tục kêu gọi huy động toàn bộ nguồn lực hay phát động một “cuộc chiến toàn dân” chống Covid-19.
Trường học trên khắp thành phố đã bị đóng cửa, gây hoang mang cho những học sinh trung học chuẩn bị thi đại học vào tháng tới. Ít nhất một nửa số chuyến bay rời khỏi thành phố và gần như toàn bộ tuyến xe buýt tới các tỉnh khác đã bị hoãn. Rất ít người dân sử dụng hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm của thủ đô.
Giới chức thành phố cho biết cách tiếp cận thận trọng của họ đã mang lại kết quả khả quan là số ca nhiễm mới mỗi ngày đang giảm. Các quan chức ở Bắc Kinh dường như ngày càng tự tin họ có khả năng ngăn chặn dịch bệnh trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, hôm 18/6 nói thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng ông lưu ý rằng chính phủ hiện vẫn tích cực điều tra những khu chợ thực phẩm nhằm truy tìm đường lây lan của virus, đồng thời kêu gọi các quan chức lẫn người dân đề cao cảnh giác.
Mấu chốt trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc là xét nghiệm chủ động và truy vết tiếp xúc. Giới chức đã thiết lập các trạm xét nghiệm ở bệnh viện, cổng công viên, sân vận động và những trung tâm cộng đồng trên khắp thành phố, lấy mẫu xét nghiệm cho 1,1 triệu người trong chưa đầy một tuần.
Nhà chức trách cũng yêu cầu nhân viên siêu thị, nhà hàng, nhân viên y tế và hàng xóm của gần 200 ca dương tính với nCoV phải xét nghiệm. Bất kỳ ai đến gần chợ Tân Phát Địa đều nhận được tin nhắn tự động thúc giục họ nhanh chóng đi xét nghiệm.
Tại sân vận động Thiên Đàn ở phía nam Bắc Kinh hôm 18/6, hàng nghìn người kéo tới chờ xét nghiệm và được một đội tình nguyện viên, nhân viên y tế hướng dẫn. Li Donghai, 43 tuổi, nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, cho biết công ty yêu cầu ông đến để xét nghiệm.
Li nói ông đã đăng ký qua ứng dụng điện thoại di động từ trước nhưng vẫn phải xếp hàng khoảng nửa tiếng. Mọi người trong hàng bắt buộc đứng cách nhau một mét. Nhân viên y tế chỉ mất vài giây để lấy mẫu trong họng ông. Li sau đó sẽ nhận được kết quả qua điện thoại.
“Tôi nghĩ dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt bởi rất nhiều người giống như tôi đang được xét nghiệm”, ông chia sẻ.
Chính quyền thành phố đã sa thải hai quan chức địa phương và quản lý chợ Tân Phát Địa, cáo buộc họ hành động quá chậm trễ và cẩu thả trước dịch bệnh. Tuy nhiên, các quan chức cũng được yêu cầu khởi động lại hoạt động kinh tế, một mục tiêu có thể không tương thích với nhiệm vụ ngăn dịch bệnh lây lan.
“Động thái này gửi một tín hiệu tới các quan chức địa phương”, Huang từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định. “Ngay cả khi họ được yêu cầu tăng tốc mở cửa trở lại, ưu tiên hàng đầu vẫn là không để có thêm ca nhiễm mới. Đây thực sự là nhiệm vụ bất khả thi”.
Tại khu dân cư An Hoa Lý ở phía bắc Bắc Kinh, đối diện ổ dịch Tân Phát Địa, người dân cho hay họ không biết có dịch bệnh bùng phát thực sự trong thành phố hay không.
“Chúng tôi không lo lắng, không ai trong khu dân cư của chúng tôi lo sợ bởi ổ dịch ở tận Tân Phát Địa”, Mu Xicheng, công nhân xây dựng về hưu, nói. “Chúng tôi đều đeo khẩu trang theo yêu cầu của chính quyền. Điều đó tốt cho chúng tôi và cho cả cộng đồng”.
“Chúng tôi đã trải qua đại dịch SARS và đợt bùng phát dịch đầu tiên”, Bin Wei, một lập trình viên tuổi trung niên, nói. “Lần này, mọi thứ sẽ ổn thôi”.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
Theo Vnexpress