Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và cải tiến thường xuyên, trường đại học Mỹ hỗ trợ giảng viên ở ba cấp bậc: lớp học, khoa, và trường.
Cấp độ lớp học
Nhà trường tổ chức đánh giá khóa học vào cuối kỳ từ phía sinh viên (dưới dạng ẩn danh và hầu hết là online) nhằm cung cấp phản hồi trung thực nhất cho giáo viên về ưu, nhược điểm của phương pháp giảng dạy, nội dung khóa học, khối lượng bài tập và cách đánh giá. Dựa trên những đánh giá cả bằng định tính (trình bày ý kiến) và định lượng (trên thang điểm từ 1 đến 5), giảng viên sẽ có cái nhìn cụ thể và rất sát thực tế để cải thiện cách truyền tải và hoàn thiện hơn giáo trình cho từng khóa học vào kỳ mới.
Trường đại học cung cấp trợ giảng cho những lớp đông sinh viên (thường là nhiều hơn 30 tùy theo trường), giúp giáo viên chấm bài, nhập điểm, gác thi, tiếp sinh viên khi giáo viên vắng mặt, và trợ giảng thường là sinh viên cao học trong khoa. Nhờ vậy giáo viên có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho việc cải thiện bài giảng, sáng tạo nâng cấp chất lượng giảng dạy, và đa dạng phương pháp kiểm tra, thay vì phải chấm bài “ngập mặt”.
Cấp độ khoa
Mỗi kỳ hoặc mỗi năm khoa sẽ tổ chức các nhóm nhỏ giáo viên đến dự giờ lớp nhau 1-2 lần một học kỳ để trao đổi và học hỏi những điểm mạnh của nhau, có thể cùng khoa hoặc khác khoa. Các nhóm được thay đổi thường xuyên để mỗi giáo viên có thể tương tác với nhiều người mới, đồng thời tăng cường tính hợp tác và văn hóa học hỏi trong khoa.
Khoa thành lập các hội đồng chuyên về giảng dạy để trao đổi, thảo luận thường kỳ về việc thống nhất hay sửa đổi nội dung giáo trình các lớp, hướng đổi mới theo từng thời kỳ, và đánh giá sự phát triển của sinh viên có gì cần lưu ý, làm sao để nâng cao chất lượng dạy và học trong khoa. Sau khi họp xong thì hội đồng sẽ báo cáo lên khoa và trường để đề xuất cải thiện mới.
Cấp độ trường
Trường thường xuyên tổ chức các buổi seminar hay hội thảo (teaching workshop) về giảng dạy và phổ biến nghiên cứu khoa học mới trong giảng dạy, nhất là trước khi vào năm học mới. Các giáo viên đạt nhiều giải thưởng quốc gia, chuyên gia giáo dục từ các trường khác được mời đến để trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả đúc kết từ kết quả nhiều năm nghiên cứu, nhằm giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu của sinh viên và cách cải tiến giáo trình cũng như phương pháp đánh giá toàn diện.
Nhà trường thành lập hẳn một trung tâm chuyên hỗ trợ việc giảng dạy, như ITLE ở Oklahoma State University (OSU), là nơi cung cấp phần mềm và công cụ kỹ thuật hỗ trợ trong lớp học, thường xuyên mở các seminar và khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy hiệu quả. Nếu giảng viên yêu cầu, trung tâm sẽ cử chuyên gia đến dự giờ lớp 3 lần một học kỳ và họp riêng để giúp cải thiện phương pháp dạy và học cho giáo viên, thậm chí nếu cải thiện thành công có thể viết thành bài báo để xuất bản hoặc xin tài trợ dự án nghiên cứu để phát triển phương pháp dạy mới trên diện rộng.
TS Ellie Phương D. Nguyễn
Giáo sư bậc 1 Khoa Sinh hóa & Sinh học Phân tử
Đại học bang Oklahoma tại Stillwater – Vnexpress
Cùng tác giả:
>>10 khác biệt của giáo dục tiểu học Mỹ
>>10 điều du học sinh Mỹ bậc đại học cần biết