Các nước quy định thế nào về người uống rượu đi xe đạp?

Rời quán bar ở San Francisco, Tam McGlinchey đạp xe về nhà, cho rằng mình có thể đi an toàn, nhưng anh không thể kiểm soát được chiếc xe.

McGlinchey lao xe vào rào chắn bên đường, người bay ra và đập xuống nền đường. “Đó là hồi chuông cảnh tỉnh với tôi”, anh nói.

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn một người ở Anh năm 2018. Ảnh: Auto Express.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn một người ở Anh năm 2018. Ảnh: Auto Express.

Trong khi các tài xế ôtô say rượu đe dọa tất cả mọi người, “người đi xe đạp say rượu cũng có thể gây nguy hiểm với phương tiện khác, người đi bộ và cả chính mình”, Brendan Kevenides, luật sư chuyên xử lý các tai nạn xe đạp ở Chicago, nói.

Theo Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Quốc lộ Mỹ, gần 1/3 số người đi xe đạp thiệt mạng trong các vụ va chạm giao thông ở Mỹ năm 2008 có nồng độ cồn ít nhất 10 mg/100 ml. Gần 1/4 ở mức 80 mg/100 ml – giới hạn nồng độ cồn cho phép của Mỹ.

Nhiều nước đã có biện pháp xử lý người đi xe đạp có nồng độ cồn. Từ ngày 30/12, Việt Nam ra quy định phạt 80.000 – 100.000 đồng với người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở. Phạt 200.000 – 300.000 đồng khi có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg đến 0,4 mg/l khí thở; từ 400.000 – 600.000 đồng khi vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/l khí thở.

Đức là một trong số những quốc gia xử lý mạnh tay nhất nhưng họ cũng có giới hạn nồng độ cồn với người đi xe đạp cao nhất châu Âu là 160 mg/100 ml. Năm 2015, một sinh viên say xỉn trở về nhà sau một bữa tiệc bị phạt 700 USD và bị cấm đi xe đạp trên đường phố trong 15 năm. Mặc dù xử lý người đi xe đạp, chính quyền Đức cũng có thể tịch thu hoặc thu hồi giấy phép lái ôtô của người vi phạm.

Các chuyên gia đang kêu gọi giảm giới hạn nồng độ cồn cho phép với người đi xe đạp xuống còn 110 mg/100 ml. Số vụ tai nạn do người đi xe đạp say xỉn gây ra ở Đức cao hơn 4,4% so với người điều khiển xe máy.

Tại Áo, giới hạn cho phép là 80 mg/100 ml, cao thứ hai ở châu Âu và người vi phạm có thể bị phạt 800 EUR (890 USD). Giới hạn ở Italy, Pháp, Croatia, Thụy Sĩ và Hà Lan là 50 mg/100 ml. Người vi phạm ở Croatia bị phạt 65 EUR trong khi ở Italy là 500 EUR.

Luật Anh và Ireland quy định người dân không thể đi xe đạp nếu đã uống rượu bia hoặc dùng chất kích thích khiến “không thể điều khiển tốt xe” nhưng không nêu rõ giới hạn nồng độ cồn. Ireland có thể phạt người vi phạm lên tới 1.500 USD.

Các bang ở Mỹ có quy định khác nhau về vấn đề này nhưng nhìn chung giới hạn cho phép là 80mg/100 ml. Một số nơi như Oregon hay Washington D.C áp dụng luật với người đi xe đạp tương tự người đi xe máy.

Ở Vernal, Utah, năm 2015, hai người đạp xe từ một quán bar về nhà bị cảnh sát còng tay, giữ qua đêm và bị buộc tội lái xe khi dùng chất kích thích. Tháng 5/2017, một người đàn ông ở Boulder, Colorado bị bắt vì đạp xe khi say xỉn, đâm vào một xe hơi và cố gắng vượt đèn đỏ. California quy định bất cứ ai đi xe đạp sau khi dùng rượu bia trên đường cao tốc đều phạm luật và đối mặt mức phạt ít nhất 250 USD.

Tuy nhiên, bang Illinois cho phép đạp xe sau khi uống rượu bia. “Nhiều người đi xe đạp nói rằng họ ít có nguy cơ va chạm hơn và tôi cũng nghĩ vậy”, Jason Meggs, nhà hoạt động vì quyền lợi của người đi xe đạp, nói. “Bởi vì dù say rượu hay tỉnh táo, người đi xe đạp vẫn có thể nhìn rõ hơn, nghe rõ hơn và dừng lại nhanh hơn người lái ôtô”.

Việc xử lý người đi bộ say xỉn cũng được chú ý. Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Trauma năm 2011 cho thấy 55% số người đi bộ đã uống rượu sang đường sai nơi quy định. Năm 2015, Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn hàng đầu của chính quyền Tây Ban Nha, đề xuất xử phạt người đi bộ say xỉn nhưng quy định này chưa được ban hành.

Có những trường hợp một người không uống một giọt rượu bia nào nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, như các trường hợp sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, thực phẩm lên men, hoa quả chín quá mức. Các bác sĩ khuyên rằng nếu tình cờ ăn đồ ăn, uống thuốc có lượng cồn nhỏ thì nên đợi khoảng 30 phút đến một tiếng rồi tham gia giao thông. Các chuyên gia luật cũng khuyên mọi người nên ghi nhớ mình đã ăn món gì và tìm đến các luật sư nếu bị xác định sai nồng độ cồn.

Ở New South Wales, Australia, nếu người tham gia giao thông phản đối kết quả kiểm tra hơi thở, khẳng định đồ ăn hay nước súc miệng khiến họ có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, họ có thể được đưa đến đồn cảnh sát hoặc lên xe kiểm tra chuyên dụng để phân tích hơi thở. Có thể đến thời điểm này, lượng cồn nhỏ trong thức ăn hoặc nước súc miệng đã không còn. 

Một người đàn ông ở bang Victoria, Australia, từng khẳng định ông không uống rượu bia mà chỉ ăn kem, dù có cồn trong hơi thở. Khi vụ này được đưa ra tòa, thẩm phán yêu cầu anh ăn kem để xác minh. Kết quả nồng độ cồn trước khi ăn kem là 0 và sau khi ăn là 18 mg/100 ml. Tòa cuối cùng chấp nhận lập luận của anh này.

Hồi tháng 4, một người ở Giang Tô, Trung Quốc cũng bác bỏ mình đã uống rượu mà chỉ ăn sầu riêng. Cảnh sát sau đó cho xét nghiệm máu và xác nhận không có cồn trong cơ thể tài xế. Họ quyết định ăn sầu riêng để tìm hiểu tình huống.

Cảnh sát Yu Pengxiang ăn một phần sầu riêng và nồng độ cồn ngay lập tức tăng lên 36 mg/100 ml, trong khi luật Trung Quốc giới hạn ở mức 20 mg/100 ml. Ba phút sau, Yu thử lại và kết quả về 0.

Trong khi một số người mạng xã hội Trung Quốc cảm thấy thú vị khi sầu riêng có tác động như vậy, những người khác tự hỏi liệu cảnh sát có lãng phí thời gian vào một sự cố nhỏ hay không. “Người đàn ông tội nghiệp không làm gì cả nhưng phải đi thử máu”, người dùng Weibo có tên LionHeartFY viết. “Tôi nghĩ họ nợ anh ấy một hộp sầu riêng”.

Phương Vũ (Theo Daily Beast/DW/Local) – Vnexpress