Các nước phạt người vi phạm lệnh hạn chế ra ngoài như thế nào?

Mọi bang ở Mỹ, trừ 5 tiểu bang, đã ban bố “lệnh ở nhà” toàn diện hoặc một phần để đối phó với Covid-19.

Mục đích chung của “lệnh ở nhà” đều là hạn chế việc người dân ra ngoài khi không thiết yếu. Tuy nhiên khái niệm “thiết yếu” được hiểu khác nhau tùy địa phương. Ví dụ, bang Florida vẫn cho phép việc tụ tập tại nơi công cộng với mục đích tôn giáo hoặc thờ phụng, dù chính phủ liên bang khuyến cáo nên giới hạn số người trong một nhóm không quá 10.

Mức phạt dành cho người vi phạm lệnh ở nhà cũng không giống nhau. Ví dụ Delaware quy định việc vi phạm này là “vi phạm hình sự” với mức phạt tối đa 6 tháng tù hoặc 500 USD. Ở bang Maryland, người vi phạm đối mặt mức phạt tối đa một năm tù hoặc 5.000 USD, trong khi ở bang Wisconsin là 30 ngày tù hoặc 250 USD.

Một số bang khác chỉ tuyên bố “người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự” nhưng không nêu cụ thể như Washington, Colorado, Kentucky, Louisiana…

Đặc biệt, New York, bang có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất tại Mỹ, đã ban bố “lệnh ở nhà”, nhưng thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết sẽ không phạt người vi phạm. Ngược lại, New Jersey, bang có nhiều ca nhiễm thứ hai, đặt ra mức phạt nặng dành cho người vi phạm “lệnh ở nhà” tới 10.000 USD và 18 tháng tù.

Ngày 9/3, Italy là nước đầu tiên tại châu Âu áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn cản sự lây lan của Covid-19. Theo The Local, người dân được yêu cầu ở trong nhà và tránh đi lại khi không cần thiết. Việc đi lại chỉ được phép khi mua thức ăn, tập thể dục, trường hợp khẩn cấp, vì lý do y tế, hoặc trong trường hợp có thể được chứng thực là gấp gáp… Người nào vi phạm sẽ đối mặt mức phạt ba tháng tù và hơn 200 Euro.

Tương tự, người dân tại Tây Ban Nha chỉ được phép rời nhà khi có việc thiết yếu và phải chứng minh được đích đến. Người vi phạm có thể bị phạt ít nhất 100 Euro với vi phạm ít nghiêm trọng hoặc tối đa một năm tù nếu “chống đối người thi hành công vụ”.

Cảnh sát chất vấn người đi đường tại thành phố Barcelona. Ảnh: AFP.
Cảnh sát chất vấn người đi đường tại thành phố Barcelona. Ảnh: AFP.

Tại Anh, từ ngày 23/3, thủ tướng Anh Boris Johnson công bố lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc để tránh lây lan Covid-19. Theo đó, người dân chỉ được đi ra ngoài để mua đồ thiết yếu, tập thể dục (chạy bộ, đi bộ, đạp xe,…) một mình hoặc với gia đình mỗi ngày một lần, chỉ đi làm khi thật sự cần thiết và không thể làm tại nhà, vì lý do y tế, hoặc giúp đỡ người dễ tổn thương.

Để đảm bảo thực thi, Anh đã ban hành Luật Virus Corona 2020 và Quy định Bảo vệ Sức khỏe 2020 nhằm trao quyền bắt giữ người vi phạm liên quan Covid-19 cho cảnh sát.

Theo hai văn bản mới, cảnh sát có quyền giải tán đám đông, yêu cầu người dân rời khu vực hoặc về nhà. Ai không tuân thủ chỉ dẫn, cảnh sát có quyền hộ tống người dân về nhà hoặc bắt giữ.

Người nào vi phạm sẽ bị phạt 60 bảng nhưng được giảm một nửa nếu nộp trong 14 ngày. Trường hợp tái phạm, mức phạt thành 120 bảng. Các lần tái phạm tiếp theo, tiền phạt tăng gấp đôi với mức tối đa 960 bảng. Nếu không nộp phạt, người vi phạm sẽ bị khởi tố.

Trước nguy cơ Covid-19 bùng phát, từ ngày 7/4, Singapore sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường như đóng cửa hầu hết nơi làm việc không thiết yếu, chuyển trường học sang lớp học ở nhà, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa mọi người nơi công cộng… Tuy nhiên, chính phủ nước này chỉ khuyến cáo mọi người hạn chế đi ra ngoài mà không cấm.

Dù vậy theo Luật Bệnh truyền nhiễm, người nào không làm đủ biện pháp an toàn khi ra ngoài sẽ bị tối đa 6 tháng tù hoặc 10.000 SGD. Ai được nhà chức trách gửi thông báo yêu cầu không rời khỏi nhà trong thời gian nhất định mà vẫn làm trái sẽ đối diện với mức phạt tương tự.

Tại Malaysia, người nào không tuân thủ lệnh hạn chế đi lại sẽ bị phạt tối đa 1.000 Ringgit hoặc 6 tháng tù. Ngày 23/3, một thợ cơ khí đã trở thành người đầu tiên bị phạt vì cản trở cảnh sát trong lúc thực thi lệnh hạn chế di chuyển. Người này đã bị phạt 5.000 Ringgit, thay thế cho hình phạt 10 tháng tù.

Quốc Đạt (Theo People, Strait Times, Aljazeera, The Local) – Vnexpress