Các công ty chứng khoán ngấm đòn Covid-19

Số công ty chứng khoán giảm lãi hoặc thua lỗ trong quý I áp đảo so với những đơn vị duy trì được tăng trưởng.

Gắn liền với sự vận động của VN-Index, hoạt động các công ty chứng khoán bị tác động mạnh trong quý I khi chỉ số đại diện Sở HoSE giảm hơn 31%. Báo cáo tài chính những công ty nhóm đầu thị trường chia làm hai sắc thái chính, giảm mạnh hoặc thua lỗ và phần còn lại là tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sắc thái tiêu cực chiếm phần áp đảo hơn.

Trong Top 5 thị phần môi giới cao nhất, quá nửa bị giảm lợi nhuận. SSI – công ty giữ thị phần môi giới cao nhất sàn HoSE – báo lãi chỉ hơn 15 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) và VNDirect cũng giảm lợi nhuận lần lượt 64% và 34% so với cùng kỳ. 

Điểm chung là danh mục đầu tư của họ bị ảnh hưởng mạnh từ đà giảm của thị trường, dẫn tới ghi nhận lỗ từ đánh giá lại tài sản tài chính tăng đột biến.

“Ảnh hưởng của Covid-19 trong quý I khiến VN-Index giảm 31%. Điều này đã tác động trực tiếp đến danh mục đầu tư của công ty, dẫn đến chi phí trích lập dự phòng lớn. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến tổng chi phí tăng cao”, đại diện VNDirect cho biết.  

Trong quý I, doanh thu của VNDirect tăng 42% so với cùng kỳ, đến từ mảng đầu tư, cho vay margin và đánh giá lại tài sản. Tuy nhiên, chi phí hoạt động gấp hơn 5 lần, tăng từ 35 tỷ trong quý I/2019 lên hơn 200 tỷ đồng. Nguyên nhân do việc ghi nhận lỗ từ FVTPL (các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ) vào chi phí hoạt động tăng đột biến lên 166 tỷ, so với khoản hoàn nhập hơn 2 tỷ đồng năm trước.

Theo quy định về hạch toán, các khoản đầu tư tự doanh của công ty chứng khoán được chia làm 2 loại: tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, FVTPL sẽ phải đánh giá lại dựa trên giá trị của cổ phiếu tại thời điểm chốt kỳ báo cáo, còn AFS sẽ được đánh giá khi công ty chứng khoán bán tài sản.

Tương tự VNDirect, SSI cũng ghi nhận lỗ từ FVTPL gần 500 tỷ đồng trong quý I trong khi phần lãi trong doanh thu hoạt động chỉ hơn 196 tỷ đồng.

Danh mục cổ phiếu và chứng khoán niêm yết của SSI đến cuối quý I có giá vốn hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với đầu năm. Tuy nhiên, giá trị hợp lý theo thị trường chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tác động của việc đánh giá lại với SSI cũng giảm bớt một phần nhờ việc chốt lời AFS (tài sản tài chính sẵn sàng để bán), cụ thể là việc thoái toàn bộ số cổ phiếu SGN.

VN-Index giảm mạnh trong quý I do tác động từ Covid-19. Ảnh: Trading View.
VN-Index giảm mạnh trong quý I do tác động từ Covid-19. Ảnh: Trading View.

So với ba công ty trên, HSC và Mirea Asset có số liệu tài chính tích cực hơn. HSC báo lãi quý I tăng 26%, còn lợi nhuận của Mirea Asset cũng tăng hơn 8%. Tuy nhiên, lý do phía sau con số tăng trưởng của mỗi công ty này lại hoàn toàn khác.

Với HSC, đà tăng của lợi nhuận chủ yếu đến từ việc chốt lời “đúng đỉnh”. Khác với SSI nâng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường lao dốc, danh mục cổ phiếu niêm yết của HSC giảm hơn 80%, từ mức hơn 360 tỷ đầu năm xuống còn 66 tỷ đồng. Kết quả là HSC ghi nhận doanh thu từ FVTPL gần 220 tỷ, trong khi phần lỗ ghi nhận vào chi phí chỉ hơn 140 tỷ đồng.

Khác với 4 công ty trong nhóm dẫn đầu, đà giảm của thị trường tác động tới danh mục tự doanh của Mirea Asset chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu hoạt động. Phần tăng chủ yếu đến từ nghiệp vụ môi giới và cho vay. Doanh thu môi giới của Mirea Asset trong quý I tăng 65%, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng gấp đôi.

Với những công ty chứng khoán khác, tình hình cũng không mấy khả quan. FPTS lỗ hơn 87 tỷ đồng trong quý I do đánh giá lại khoản đầu tư vào May Sông Hồng. VDSC lỗ hơn 88 tỷ đồng do trích lập dự phòng với danh mục tự doanh. VCBS lỗ gần 31 tỷ, BVSC lỗ 23,6 tỷ, trong khi BSC cũng lỗ gần 61 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc thua lỗ, theo nhận định từ một số công ty chứng khoán, chỉ là trạng thái tạm thời khi đánh giá lại giá trị hợp lý của danh mục tự doanh tại ngày chốt báo cáo. Trong trường hợp thị trường khởi sắc hơn, giá các cổ phiếu tăng trở lại, những công ty lỗ lớn trong quý I có cơ hội lãi cao nhờ việc hoàn nhập dự phòng.

Như VNDirect, quá nửa trong khoản lỗ đánh giá lại FVTPL là do trích dự phòng việc giảm giá chứng khoán. Hoặc SSI, công ty này ghi nhận dự phòng do chênh lệch giảm đánh giá lại chiếm hơn 70% phần lỗ từ FVTPL.

Minh Sơn – Vnexpress