Giai đoạn đỉnh của dịch, Ấn Độ ghi nhận gần 100.000 ca bệnh COVID-19 mới mỗi ngày nhưng con số này đã giảm còn 11.000 ca mỗi ngày kể từ tháng 9 mà không ai rõ nguyên do.
Số liệu chính thức vào tháng 11-2020 cho thấy 90% số giường chăm sóc đặc biệt với máy thở ở New Delhi đã được sử dụng, trong khi con số này là 16% vào thứ năm tuần trước (ngày 11-2).
Vắc xin cho tới nay vẫn không được tính là nguyên nhân giúp ca bệnh giảm, lý do vì chương trình tiêm chủng đại trà của Ấn Độ mới chỉ bắt đầu từ tháng 1-2021.
Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng của Chính phủ Ấn Độ có thể là một phần nguyên do ca bệnh giảm, nhất là khi ở một số thành phố người vi phạm lệnh đeo khẩu trang bị phạt rất nặng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân không chỉ do khẩu trang vì số ca bệnh dường như giảm đồng đều trên toàn quốc, trong khi việc đeo khẩu trang khác nhau ở từng địa phương.
“Nếu không tìm ra nguyên do, chúng ta có thể vô tình làm những điều dẫn đến bùng phát dịch bệnh” – tiến sĩ Shahid Jameel, chuyên gia nghiên cứu virus tại Đại học Ashoka Ấn Độ, cho biết.
Trong khi đó, Vineeta Bal, chuyên gia nghiên cứu hệ thống miễn dịch tại Viện Miễn dịch quốc gia Ấn Độ, cho biết một số khu vực rộng lớn có thể đã đạt miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, toàn bộ quần thể vẫn dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi đối mặt với các biến thể virus mới.
Theo Sky News, một cuộc khảo sát kháng thể toàn quốc của cơ quan y tế quốc gia cho thấy có 1/5 người Ấn Độ nhiễm virus corona trước khi bắt đầu tiêm chủng. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với ước tính 70% cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng nhiều người mắc bệnh ở thành phố hơn là khu vực nông thôn và tại đây virus lây lan chậm hơn.
“Các khu vực nông thôn có mật độ dân số thấp hơn, mọi người làm việc trong không gian mở nhiều hơn và nhà cửa thông thoáng hơn” – tiến sĩ Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế công cộng của Ấn Độ, nhận định.
Do đó, tiến sĩ Reddy cho rằng nếu một số thành phố đang hướng tới miễn dịch cộng đồng, đồng thời thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, thì việc lây lan chậm hơn ở vùng nông thôn có thể là lời giải thích cho việc sụt giảm số ca bệnh trên cả nước.
Theo Đại học Johns Hopkins của Mỹ, Ấn Độ ghi nhận hơn 10,9 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 155.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng Ấn Độ lại là quốc gia có dân số lớn thứ 2 thế giới với 1,3 tỉ dân.
Theo MINH KHÔI – Tuổi Trẻ