Trong ngày thi học kỳ I, cô nữ sinh khoa Luật vẫn ung dung đi du lịch tại Nghệ An. Ở Hà Nội nữ sinh này thuê một người thi hộ giúp qua môn dễ dàng.
Nếu không trực tiếp được cầm tay dắt đến trước cửa phòng thi. Nếu không cầm trên tay một tấm chứng minh nhân dân có khuôn mặt của mình, thông tin của người khác thì phóng viên sẽ không bao giờ tin chuyện học hộ, thi hộ là có thật.
Ngày thi thứ nhất, làm giả chứng minh thư đi thi hộ
“Cần người thi hộ trực tiếp. Ai chắc chắn được thì nhắn tin em ạ. Phải chắc chắn vì em sẽ làm thẻ sinh viên cho” – tài khoản facebook Q. H đăng bài trên nhóm học hộ, thi hộ mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang “nằm vùng”.
Phóng viên nhắn tin tìm hiểu. Sau vài câu hỏi kiểm tra nhằm đảm bảo sẽ chắc chắn làm bài được 7 điểm trở lên, cộng thêm thắc mắc về việc làm thẻ sinh viên thì Q.H thừa nhận mình chỉ là “cò mồi”.
H. chỉ là “cò” tìm người thi hộ cho địa chỉ Facebook của một nữ sinh năm nhất có tên H.T. M. K.
Giao dịch với M.K bắt đầu sau câu hỏi có phải bạn là con gái không? Bạn nhận thi môn gì? Kèm theo lời dặn dò “Không quay cóp bạn nhé”. Tiếp đến nữ sinh đề nghị gửi ảnh để làm thẻ.
Phóng viên hỏi làm thẻ là như thế nào? M.K giải thích:“Thẻ sinh viên ý chị ạ. Nhưng em năm nhất phải làm chứng minh thư. Chỉ đổi mặt thôi. Vì em mất cả chi phí làm thẻ lẫn chi phí cho chị nữa nên chị chắc chắn cho em nha”.
Chúng tôi khá bất ngờ khi cô sinh viên năm nhất lại có thể nghĩ ra được cái trò làm giả chứng minh nhân dân để qua mặt giám thị.
Không chút giấu diếm M.K kể hết: “Em làm chứng minh thư nhân dân hết 300.000 đồng nên chị bớt cho em nhé. Em thuê 5 môn”.
Phóng viên hỏi: “Em làm chứng minh thư nhân dân ở đâu?”. M.K không tiết lộ chỉ nói làm ở chỗ người quen có giá 300.000 đồng.
M.K trấn an: “Chị yên tâm chứng minh thư giả không khác gì chứng minh thư thật trừ khi nhà trường có gọi về quê xác minh. Nhưng nếu chị đi thi không bị vấn đề gì thì không sao đâu. Bạn em nó thuê đầy ra”.
M.K trả chúng tôi 700.000 đồng cho một môn thi. Cái giá cũng không phải quá cao so với mặt bằng giá thuê thi hộ, học hộ hiện nay.
Tuy nhiên nếu làm phép tính với 5 môn, mỗi môn M.K thuê 700.000 đồng, lại phải làm mất 5 chứng minh thư nhân dân mỗi cái mất 300.000 đồng thì M.K sẽ mất khoảng 5 triệu đồng cho việc thi hộ.
Một số tiền không hề nhỏ. Số tiền này M.K lấy ở đâu nếu như không xin tiền bố mẹ.
Như vậy, bên cạnh tiền cho con ăn học, đóng học hàng tháng thì phụ huynh của nữ sinh này còn phải trả một khoản tiền không nhỏ để cho con qua môn bằng cách thi hộ, học hộ.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, tôi nhắn nhắc gửi đề cương, thời gian và địa điểm thi.
Khoảng một tuần sau M.K thông báo đã gửi đề cương qua thư điện tử, đề nghị gửi lại ảnh để làm chứng minh thư.
Cùng với đó là tên môn thi, ngày, giờ thi và lời hứa: “Hôm đấy thi xong, em đưa tiền cho chị luôn nha, nhưng chị phải chắc chắn hộ em ạ”.
Cô sinh viên năn nỉ tôi nhận thi thêm một môn, rồi ba môn: “Ngày 21, 25, 28 chị đi được hôm nào. Nhận hết hộ em nha chị yêu”. Tôi chốt thi thêm ngày 21/12. Vậy là tôi nhận thi hộ hai môn.
Trước hôm thi môn đầu tiên 2 ngày, M.K hỏi han tình hình ôn tập của tôi đến đâu. “Chị học ý chính được 10/17 câu rồi em”. M.K cho biết cô giáo dặn học hết trong đề cương, không có ý.
Sau khi được nghe giải thích, “ý” ở đây là “từ khóa” thì cô sinh viên thừa nhận: “Em không đi học bao giờ nên không biết chị ạ”.
Để chắc chắn rằng mình không nghe nhầm tôi hỏi thêm đề có mấy câu và M.K trả lời: “Em không biết. Em có đi học bao giờ đâu. Em toàn thuê người học hộ”.
M.K “cầu cứu” tôi thi hộ thêm lần nữa: “Chị thi giúp em một môn vấn đáp. Thầy dễ lắm chị. Thầy không điểm danh bao giờ nên không biết ai với ai đâu ạ. Mà chứng minh thư em làm mà chị, nha”.
Trước hôm thi 1 ngày, M.K gửi tôi chứng minh thư giả thông qua dịch vụ giao hàng. Chứng minh thư giả có dấu đỏ chót, vân tay đàng hoàng nếu nhìn bằng mắt thường rất khó để phát hiện.
Gần sát giờ thi, nữ sinh nhắn tin thông tin cá nhân bao gồm: Họ và tên, mã sinh viên, lớp, phòng thi, tên môn thi.
Đến thời điểm này chúng tôi mới biết M.K là một sinh viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đồng thời không quên dặn: “Mọi sự nhờ chị nha. Môn Triết điểm giữa kỳ em hơi thấp, đợt này phải 6, 7 hoặc 8 điểm em mới qua môn”.
13 giờ, sinh viên đứng túm năm tụm ba trước phòng thi. 15 phút sau, thầy giáo cầm trên tay túi đựng màu xám vàng bước tới. Thầy ghi số báo danh lên bảng: 40, 41, 42…rồi quay lại bàn giáo viên, cúi xuống ký tên vào tờ giấy thi.
Vừa làm thầy vừa nhắc tất cả sinh viên ra khỏi phòng. Khi không còn ai trong phòng giám thị đứng mép trái cửa từ ngoài vào, tay cầm danh sách thí sinh, lần lượt gọi sinh viên vào.
– H . T . M . K.
– Có em ạ!
Tôi giơ tay, đứng trước mặt thầy, đưa chứng minh thư ra. Thầy nhìn chứng minh thư rồi quay sang nhìn mặt tôi.
“Em vào đi. Nhớ lấy giấy thi. Cặp sách các em để phía trên bục giảng hoặc cuối lớp”.
Vậy là tôi đã trót lọt trong ngày thi đầu tiên.
Ngày thi thứ hai, vượt qua ải vũ môn thành công
Để chắc chắn rằng thủ đoạn dùng chứng minh thư nhân dân giả qua mặt giám thị và thi hộ không chỉ được áp dụng trót lọt ở một môn thi mà có thể dùng đi dùng lại nhiều lần. Phóng viên quyết định thi hộ thêm một môn cho M.K.
Tại khuôn viên khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, đang loay hoay không biết thi ở phòng nào, tầng mấy thì M.K đứng trước mặt, vẫy tay ra hiệu, mỉm cười chào tôi.
Cô đi trước, tôi đi sau. Cô mở túi xách lấy chứng minh thư đã được làm giả cho tôi, với lời chúc thi thuận lợi.
M.K cùng các bạn trong lớp nói chuyện vài phút nữa rồi ra về và không quên nhắn người đi thi hộ (phóng viên): “Khi nào thi xong, chị gọi em nhé”.
Tương tự như ngày thi hộ đầu tiên, chỉ cần trình chứng minh thư nhân dân mà M.K đã làm giả ra là tôi có thể đường hoàng bước vào phòng thi như bao sinh viên khoa Luật.
Tất nhiên các thầy giám thị có kiểm tra nhưng các thầy nào phát hiện được tấm chứng minh thư kia là giả. Trong khi đó học sinh cả lớp thì “đồng lòng” bao che cho M.K.
Khung cảnh phòng thi cũng rất nhộm nhoạm và bát nháo vì sinh viên nghĩ đủ mọi trò để có thể chép bài. Đây là những điều mà phóng viên quan sát được.
Trước khi giám thị vào, mấy sinh viên kéo bàn sát vào bàn bên trên. Bên ngoài hành lang, một vài sinh viên truyền tay nhau tài liệu chỉ nhỏ như bao diêm được nhét trong túi áo, túi quần.
Tôi tin rằng hầu hết đều biết tôi là người đi thi hộ cho M.K nhưng tuyệt nhiên không ai nói gì. Cũng có vài gương mặt lạ trong ngày hôm nay chứng tỏ không chỉ có một mình M. K thuê người thi hộ. Tôi nắm chắc phải có đến 3-4 bạn thi hộ khác trong phòng mình.
Giờ thi bắt đầu. Khung cảnh thi cử nghiêm chỉnh và trật tự chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút đầu tiên.
Khi giám thị ra ngoài khung cảnh lộn xộn, bát nháo hỏi bài, chép bài. Sinh viên có tên H. có vẻ là sinh viên học tốt trong lớp nên liên tục được gọi để hỏi bài: “H. ơi câu 2 cái nào là S, cái nào là P”.
Sinh viên nam ngồi cùng bàn tôi quay xuống: “Phần C, xong chưa”. Không nhận được tín hiệu, cậu nhăn mặt, đưa mắt, nghển cổ nhìn lên cô 3 giây rồi lại quay xuống: “Phần C, xong chưa”. Lần này, không nhận được câu trả lời, cậu ta quay lên, chép miệng.
Một nữ sinh khác miệng lẩm bẩm, mấp máy với bạn bàn cuối “Câu 1” đồng thời giơ ngón trỏ tay trái lên.
“Các bạn còn 5 phút nữa, kiểm tra lại bài và thông tin trên tờ giấy thi. Nào! Bạn nữ bàn cuối cùng. Bạn nữ bàn thứ tư, em đừng để cô nhắc nữa” – Giám thị cảnh báo.
Kết thúc môn thi hộ thứ hai, tôi ra về. Để ý từ lúc đi cùng M.K đến phòng thi, rồi trong lúc thi, một nữ sinh cứ nhìn tôi cười, tôi bước đến: “Em biết chị à”. “Vâng ạ. Chị làm được bài không” , cô sinh viên đáp.
“Sao em biết chị đi thi hộ cho M.K”.“Nó là bạn thân của em mà chị. Con M.K đấy, chị làm cho nó tầm 4 đến 5 điểm, đủ điểm để qua môn thôi”.
Gặp M. K tôi đem chuyện nói với cô bạn thân của M.K cho M.K nghe. Cười giòn tan, M.K “trách khéo” bạn vì tiết lộ việc M.K chỉ cần 4-5 điểm là có thể qua môn.
M.K lấy lại chứng minh thư giả để dùng vào những môn thi khác sẽ diễn ra sau đấy vài ngày. Trước khi chia tay, M.K khoác tay tôi: “Em cảm ơn chị nhiều nha” trong lòng khấp khởi vui sướng vì đã vượt “vũ môn” thành công.