Kolfage từng thuyết phục người Mỹ quyên góp hàng triệu USD cho một dự án tư nhân xây dựng bức tường biên giới phía nam nhằm ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Nhưng khi Covid-19 bùng phát, cựu binh này nhận ra cơ hội kinh doanh mới.
Một tháng trước, Kolfage mở doanh nghiệp, lấy tên America First Medical, chào hàng số lượng lớn khẩu trang cao cấp N95 trên trang web và mạng xã hội. Mỗi chiếc khẩu trang N95 được anh chào bán với giá 4 USD, cao hơn nhiều so với trước thời điểm Covid-19 bùng phát, nhưng vẫn thấp hơn mức giá mà các bệnh viện, viện dưỡng lão đang bỏ ra để mua mặt hàng này.
Dù chưa tìm được người mua, Kolfage cho hay đã lùng tìm khẩu trang khắp thế giới, kể cả trong các kho dự trữ ở Nhật Bản và Đông Âu. Nếu môi giới thành công một hợp đồng, anh sẽ nhận hoa hồng 1-3%, tùy quy mô đơn hàng.
Kolfage cho rằng mình đang phục vụ cộng đồng. “Chúng tôi làm những việc mà các bệnh viện và nhiều nơi không thể làm”, cựu binh 38 tuổi cho hay. “Chúng tôi là những người kết nối cung cầu. Mua hay không là quyền của các bệnh viện”.
Kolfage đặt mục tiêu trở thành một trong những người môi giới khẩu trang kiểu mới. Khi Covid-19 lan nhanh khắp thế giới, một thị trường hỗn loạn mọc lên. Các nhà môi giới cho hay có thể mua được hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu khẩu trang theo đường khác và giá cao hơn nhiều so với giá bán lẻ trước đây chỉ 1 USD mỗi chiếc.
Lượng hàng giao dịch lớn nên dù tỷ lệ hoa hồng thấp, người môi giới vẫn thu lời cao. Các tay trung gian này có thể giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nếu thành công trong việc khuyến khích các nhà sản xuất và thương nhân bán khẩu trang tới nơi đang cần.
Tuy nhiên, sự khan hiếm cũng phá vỡ các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng, khiến khẩu trang không rõ chất lượng và nguồn gốc xuất xứ tràn ra thị trường, theo các nhà cung cấp vật tư và quan chức ngành y tế.
Phóng viên Reuters phỏng vấn 5 người môi giới khẩu trang, ba ở Mỹ và hai ở Trung Quốc. Những người này cho biết thị trường khẩu trang đang “loạn”, họ phải nhanh chóng kết nối người bán và người mua trước khi đối thủ cạnh tranh “đánh hơi” và gom hết hàng trước họ.
Jake Mei, chủ một công ty cung cấp máy bơm ở Houston, Texas, đăng trên Linkedln rằng ông đang có 8 triệu khẩu trang do công ty 3M sản xuất với giá 4,10 USD và 4,20 USD một chiếc. “Giá hời và giao hàng nhanh!” Mei hứa hẹn. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, ông cho biết việc tìm nguồn hàng đang gặp khó khăn.
Không ai trong số 5 người môi giới này tiết lộ nhà cung cấp và khách hàng. Họ đều nói các nhà sản xuất đang thiết lập mức giá mới, khiến giá khẩu trang gần đây tăng lên.
Kolfage tuyên bố khẩu trang mà mình cung cấp không phải hàng Trung Quốc, mà là hàng chất lượng tốt, có chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Ông nói thêm mình tính phí hoa hồng thấp hơn nhiều nhà môi giới khác.
Hôm 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh cấm tích trữ và thổi giá vật tư y tế. Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho hay đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm quốc gia để điều tra các hành vi này.
Nếu bạn “có nguồn cung giấy vệ sinh lớn trữ trong nhà, thì không cần lo lắng”, Barr nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng cùng ngày. “Nhưng nếu bạn đang trữ lượng lớn khẩu trang trong kho, bạn sẽ thấy có người gõ cửa đấy”.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về hoạt động buôn bán khẩu trang. FDA cũng không bình luận, cho hay đã nới lỏng một số yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng trong thời kỳ khủng hoảng và cho phép buôn bán khẩu trang đáp ứng tiêu chuẩn của những quốc gia khác.
Tuy nhiên, một số nhà môi giới khẩu trang dường như đang làm giả sản phẩm hoặc bán loại không đạt chuẩn, theo 3M, công ty sản xuất khẩu trang lớn có trụ sở tại St. Paul, bang Minnesota và Premier Inc, một nhà cung ứng vật tư lớn ở Charlotte, Bắc Carolina.
Chaun Powell, phó chủ tịch chiến lược của Premier, cho hay một số nhà cung cấp quảng cáo có thể cung ứng hàng triệu khẩu trang không rõ nguồn gốc, khiến công ty hết sức nghi ngờ. Công ty đã cảnh báo khách hàng về những người môi giới kiểu này, nhưng một số khách hàng vẫn đặt hàng.
“Nó thể hiện sự tuyệt vọng trong chuỗi cung ứng của chúng ta”, ông nói. “Nhiều người thà mua khẩu trang không đạt chuẩn còn hơn là không có gì”.
3M cũng cảnh báo nhiều sản phẩm được chào bán trên thị trường có tên công ty có thể là hàng giả. “3M có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, do đó, những sản phẩm thiếu dây đeo, có mùi lạ, van hỏng, tên viết sai chính tả… đều không phải hàng của công ty”, trích thông cáo của 3M.
Một nhà phân phối lâu năm của hãng cho hay các sản phẩm 3M chính hãng cũng đang bị các tay môi giới chuyển sang những kênh phân phối khác để kiếm lời. “Câu hỏi là vật tư bị chuyển sang kênh khác như thế nào?” Michael Einhorn, chủ tịch Dealmed, công ty cung ứng vật tư y tế ở Brooklyn, New York, nói. “Chuỗi cung ứng có vấn đề”.
Trong khi nhiều người nói có thể cung cấp hàng triệu khẩu trang thì các nhà phân phối chính hãng lại không thể, Einhorn nói. “Khẩu trang qua tay người này sang người khác. Tới lúc đến được bệnh viện, 10 người đã kiếm lời từ nó”.
3M cho biết không tăng giá, nhưng không thể kiểm soát người khác bán với giá cao hơn. Hôm 25/3, Mike Roman, giám đốc điều hành 3M, đã gửi thư cho Bộ trưởng Tư pháp Barr và những quan chức khác, bày tỏ công ty muốn chính quyền truy quét những kẻ làm hàng giả và trục lợi.
Kolfage và các nhà môi giới khác cho biết hoạt động buôn bán của họ đều minh bạch. Tiền của người mua sẽ do một công ty luật nắm giữ và sản phẩm sẽ được một công ty độc lập xác minh trước khi hoàn thành giao dịch.
Thị trường môi giới làm ăn nhộn nhịp vì hàng hóa khan hiếm. Hai tuần trước, các lãnh đạo của một tổ chức quản lý viện dưỡng lão cho biết hàng nghìn thành viên sắp hết khẩu trang.
“Họ không đủ khẩu trang để sử dụng”, bác sĩ David Gifford, giám đốc y tế Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Mỹ, nói.
Các bệnh viện bị bủa vây bởi thị trường hỗn loạn và những thách thức mới. Trung tâm y tế Holy Name ở Teaneck, New Jersey cho hay có 12 bệnh nhân chết vì Covid-19, hiện còn 139 người nhiễm tính đến 29/3.
Trong hoạt động môi giới khẩu trang, Kolfage cho biết tốc độ là yếu tố quan trọng nhất. Hôm 3/3, ngày anh đăng ký trang web, Kolfage đăng ảnh hàng chồng hộp khẩu trang 3M trong nhà kho lên Instagram, tuyên bố có sẵn 300 triệu chiếc N95 có thể chuyển sang Mỹ.
Nguồn cung là một doanh nhân giàu có, người muốn bán toàn bộ lô hàng với giá 3 USD mỗi chiếc, kiếm lời gấp ba lần chi phí đầu tư. “Số hàng này ở Nhật Bản và sân bay Osaka đang sẵn sàng chất hàng lên máy bay”, Koflage nói.
Tuy chưa tìm thấy người mua, nhưng đây là “cơ hội có một không hai” và Kolfage khuyên các nhà cung ứng vật tư ở Mỹ hãy chấp nhận bởi “bây giờ là lúc người bán quyết định giá cả”.
Hồng Hạnh (Theo Reuters) – Vnexpress