Số nợ của CLB Jiangsu Suning rơi vào khoảng 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 63,8 triệu USD). Đây là hậu quả của những năm tiêu xài hoang phí trong việc mua sắm các ngoại binh và đãi ngộ họ với mức lương trên trời. Báo Sina thất vọng gọi thông tin trên là “đòn nặng giáng vào giấc mơ hóa rồng của bóng đá Trung Quốc”.
Báo này chua chát bình luận thêm: “Trong lịch sử bóng đá thế giới, chắc chưa từng có CLB nào mới vô địch quốc gia thì bị giải thể. Mọi thứ chẳng khác nào trò đùa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bóng đá Trung Quốc”.
Cũng theo truyền thông Trung Quốc, ngoài đương kim vô địch Jiangsu Suning, một CLB khác ở Giải vô địch quốc gia là Tianjin TEDA cũng đứng trước nguy cơ giải tán vì khoản nợ 15,5 triệu USD chưa có cách giải quyết. Nhiều đội bóng còn lại chưa đến nỗi giải thể nhưng cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn sau một thời gian tiêu xài hoang phí.
Thực tế, những người làm bóng đá Trung Quốc đã mường tượng ra hậu quả này. Vài năm trở lại đây, họ đã ráo riết tìm cách tái cấu trúc nền bóng đá mà mở đầu là việc đưa ra một loạt “quy tắc hạn chế các CLB chi tiêu xa hoa”. Tuy nhiên, sự thức tỉnh đó dường như hơi muộn khi “bong bóng” bóng đá Trung Quốc đã vỡ.
Sự sụp đổ của kỷ nguyên “đốt tiền” tại giải bóng đá cao nhất Trung Quốc cho thấy họ đã thất bại trong chiến lược đi đường tắt: dùng tiền để mua đẳng cấp. Giải vô địch Trung Quốc như một “gã khổng lồ có đôi chân đất sét” không thể đứng vững và hoàn toàn kém xa J-League (Giải vô địch Nhật Bản) hay K-League (Giải bóng đá nhà nghề Hàn Quốc).
Giai đoạn Chinese Super League thịnh vượng nhờ “đốt tiền” không giúp đội tuyển Trung Quốc được hưởng lợi. Họ thất bại trong việc tạo ra thế hệ cầu thủ tài năng và phải đi nhập tịch để nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia.
Theo H.D. – Tuổi Trẻ