Bốn cột mốc cần nhớ để giúp trẻ thành người tử tế

Sự tử tế không thể hình thành trong một sớm một chiều, phụ huynh cần giúp con đúng cách ở bốn giai đoạn quan trọng.

Nếu đang muốn nuôi dạy đứa trẻ trở thành người tử tế, tốt bụng, biết yêu thương, bạn có thể cảm thấy lo lắng khi chúng từ chối chia sẻ, nổi điên khi bạn phủ quyết mong muốn của chúng hoặc hét lên rằng ghét bạn. Để tránh trường hợp này, bạn cần lưu ý những cột mốc quan trọng giúp con từ từ hình thành đức tính này.

TS Dona Matthews, đồng tác giả cuốn sách Beyond Intelligence: Secrets for Raising Happily Productive Kids, nói: “Việc trở nên tử tế đòi hỏi một chuỗi suy nghĩ và hành vi khá phức tạp. Bạn cần có khả năng xác định cảm xúc của người khác, cảm thấy có mối liên hệ với người đó và sau đó hành động theo họ”.

Mặc dù mọi đứa trẻ sẽ vượt qua quá trình này theo tốc độ riêng, phụ huynh vẫn cần lưu ý những cột mốc dưới đây:

3 tuổi: Trẻ hiểu tại sao cảm xúc lại xuất hiện

Trẻ sơ sinh có thể nhận thức được cảm xúc của người khác sau 6 tháng nhưng phải đến khi biết đi, hành động tử tế thực sự mới bắt đầu. TS Matthews nói: “Đến năm 3 tuổi, chúng đã nhận ra rằng một số sự kiện nhất định khiến ai đó cảm thấy theo một cách riêng nào đó. Chúng biết rằng ai đó không nhận được chiếc bánh quy mong muốn thì sẽ cảm thấy buồn hoặc tức giận. Nếu nhận được món ăn đó, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc”.

Vì vậy, bạn hãy giúp con củng cố nhận thức này bằng cách gắn nhãn những cảm xúc con trải qua và giải thích lý do có thể cảm thấy như vậy. Khi hiểu về các loại cảm xúc, trẻ sẽ dần có cách ứng xử tốt hơn.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

4-5 tuổi: Lòng tốt có chủ đích ở trẻ tăng lên

Trong giai đoạn này, con bạn củng cố khả năng nắm bắt trạng thái tinh thần của chính mình và người khác. Ngoài ra, các kết nối lớn và thú vị đang được thực hiện trong các vùng não chịu trách nhiệm về nhận thức xã hội. Vì vậy, con bắt đầu thể hiện lòng tốt, sự tử tế một cách nhất quán.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Virginia phát hiện sau khi được cho một đống hình dán, hầu hết trẻ 3 tuổi sẽ không chia sẻ với đứa trẻ khác nhưng trẻ 4 tuổi sẽ làm điều đó. TS Maysa Akbar, nhà tâm lý học của Trung tâm nghiên cứu YaleChild, Mỹ nói: “Khoảng 4 tuổi, trẻ có sự thay đổi về tinh thần. Chúng muốn tham gia theo cách có ý nghĩa hơn và bạn thấy nhiều sự chia sẻ, nắm tay, những cái ôm hơn từ chúng”. Khi bạn chứng kiến con mình tử tế theo những cách này, hãy thật sự ăn mừng.

5-6 tuổi: Trẻ nắm bắt được ý tưởng về cộng đồng

Hành động nhân ái không chỉ có giữa các cá nhân mà được thực hiện để mang lại lợi ích cho một nhóm. Ở độ tuổi này, trẻ có thể háo hức làm những việc như dọn bàn ăn để gia đình có thể ngồi xem phim buổi tối. TS Matthews nói: “Cảm thấy mình là thành viên quan trọng của nhóm sẽ giúp trẻ thấy mình có giá trị, từ đó hành động tử tế hơn”. Matthews khuyên phụ huynh khuyến khích điều này bằng cách giao cho con những công việc nhỏ bắt đầu từ khi trẻ lên 2 tuổi, ngay cả việc để chúng cất món đồ chơi duy nhất.

Tuổi này cũng là lúc con trở nên thành thạo hơn trong việc thể hiện sự đánh giá cao. TS Akbar nói: “Bạn sẽ nhận thấy trẻ nói với giọng điệu tử tế hơn, nói làm ơncảm ơn nhiều hơn. Như mọi khi, bạn sẽ muốn củng cố hành vi tốt đó để tiếp tục duy trì nó.

7-8 tuổi: Trẻ học cách đặt người khác lên hàng đầu

Bạn khó vượt qua nỗi thất vọng hoặc nỗi buồn để đối xử tốt với người khác. Đó là lý do cột mốc này thường không xảy ra cho đến khi 7-8 tuổi. TS Akbar khuyên bố mẹ nên làm gương để con có thể học hỏi cách ứng xử trong những trường hợp này. Chẳng hạn, khi thất bại trong một trò chơi, bạn có thể nén nỗi buồn để chúc mừng người chiến thắng.

“Con đang nhìn vào hành động của bạn. Nếu chúng thấy bạn hào phóng ngay cả khi khó làm như vậy, chúng sẽ có khả năng bắt chước hành vi đó. Vì vậy, lần tới khi con đánh bại ban trong trò chơi cờ caro, hãy thể hiện bạn là người tử tế”, TS Akbar nói.

Dương Tâm (Theo Parents) – Vnexpress