Ngày 6/1, ông Quang chia sẻ quan điểm trước việc nhiều người lo ngại sử dụng một số loại trái cây có thể có cồn trong hơi thở, trong máu, gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông.
“Đúng là những hoa quả như nho, sầu riêng, chuối… dễ để lại nồng độ cồn, nhưng chỉ sau 30-60 phút tùy theo lượng dùng, cơ thể sẽ hết lượng cồn trong máu và khí thở vì hàm lượng rất nhỏ. Vì thế người dân không lo ăn hoa quả xong ra đường sẽ bị xử phạt”, ông Quang nói.
Trong quá trình tuyên truyền thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được. Những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì không phải là đối tượng xử phạt.
Về lo ngại uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, ông Quang phân tích, không có ngưỡng chuẩn cho mọi cá nhân vì phụ thuộc vào lượng, nồng độ bia, rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của mỗi người.
Trung bình với người bình thường, sau một giờ gan sẽ chuyển hóa hết một đơn vị cồn. Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể phải mất 1-2 giờ nữa. Một đơn vị cồn khoảng 10 gram cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, một ly rượu vang 100 ml nồng độ cồn 13%, một chén rượu 30 ml có nồng độ cồn 40%.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, cũng cho rằng hàm lượng cồn trong trái cây rất nhỏ nên máy đo không thể hiện được. Từ trước đến nay, chưa có người dân nào phản ảnh ăn hoa quả bị phạt vì nồng độ cồn cao. “Cảnh sát giao thông có đủ trình độ để phát hiện người ăn hoa quả hay uống rượu bia để xử phạt nồng độ cồn, người dân có thể yên tâm”, ông Thạch nói.
Về việc uống rượu, bia sau bao lâu được lái xe, ông Thạch cho biết, một số tài liệu cho thấy cơ thể nam giới có thể uống một cốc bia 0,3 lít có nồng độ 5% thì sau 2 giờ mới có thể điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, việc chuyển hóa lượng cồn còn phụ thuộc từng cá nhân.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho biết về mặt lý thuyết một số ít hoa quả để lâu lên men có thể có chút ít nồng độ cồn nhưng vô cùng thấp, cơ thể hấp thụ và thanh lọc lượng cồn nhỏ này rất nhanh chóng. Không ai mua hoa quả về để lên men mới ăn và nếu vô ý ăn thì phải tới hàng kg lượng cồn mới ở mức đáng kể, bởi vậy điều đó rất khó xảy ra.
“Các nhà sản xuất đã tính toán để thiết bị đo chỉ ghi nhận khi nồng độ cồn ở mức nhất định, bởi vậy nếu uống rượu bia thì chắc chắn bị phát hiện, còn ăn hoa quả thì có thể yên tâm”, ông Minh nói và tin tưởng rằng cảnh sát giao thông sẽ không phạt những trường hợp ăn vài quả vải hay sử dụng nước súc miệng.
Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tất cả người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, kể cả người đi xe đạp, xe máy đều bị xử phạt.