Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Giờ là lúc làm trung tâm tài chính quốc tế

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư khẳng định việc Việt Nam lập trung tâm tài chính quốc tế sẽ không chỉ là “ý định” mà sẽ được bắt tay xây dựng ngay năm nay.

Tại hội nghị trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, TP HCM và Đà Nẵng đã nhiều lần đề cập việc lập trung tâm tài chính quốc tế nhưng vẫn “chỉ nằm ở ý định”. Năm nay, ông khẳng định việc này sẽ không chỉ là mục tiêu mà sẽ được bắt tay ngay vào thực hiện, tập trung xây dựng đề án chi tiết.

“Lần này nếu chúng ta tiếp tục bỏ qua cơ hội thì không bao giờ làm được. Hiện là thời cơ vàng nghìn năm có một để Việt Nam thành lập được một trung tâm tài chính quốc tế”, Bộ trưởng nói và đề nghị các địa phương đi đầu, như TP HCM hay Đà Nẵng, tập trung cụ thể hóa, thuê tư vấn, lập đề án chi tiết, trong đó xây dựng các mô hình, các cơ chế phù hợp để báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị chiều 8/1. Ảnh: MPI.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị chiều 8/1. Ảnh: MPI.

Nếu có thể thành lập, trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ thu hút dòng vốn quốc tế mà còn mang là nguồn thu cho ngân sách.

Một ví dụ được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến là quần đảo Cayman trên thuộc vùng biển Caribe. Cách đây 40 năm, GDP của quần đảo này bằng 0, nhưng đến nay, sau khi thành lập một trung tâm tài chính, mỗi ngày dòng tiền luân chuyển qua địa phương này lên tới 2.000 tỷ USD.

“Họ miễn thuế nhưng thu phí, mỗi ngày tới 300 triệu USD. Tại sao Việt Nam không làm trung tâm tài chính, khi mà chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, từ vị trí địa lý, dân số đến quy mô nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Lợi thế được thể hiện qua vị trí trung tâm trong khu vực. Nếu tính từ TP HCM, chỉ cần 3h bay có thể phủ hết khu vực ASEAN và Đông Bắc Á. Ngoài ra, một ưu điểm lớn của Việt Nam hiện tại không trùng với múi giờ nào của 21 trung tâm tài chính quốc tế. “Đây là khe cửa rất hẹp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nhiều trung tâm tài chính bị quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, dòng tiền đang tìm đến những địa chỉ mới. “Nếu tận dụng và phát huy được những lợi thế này sẽ mang về nguồn lực vô cùng lớn. Nhưng nếu không làm nhanh, làm ngay, nếu để một trung tâm tài chính khác được thành lập trên cùng múi giờ với Việt Nam, chúng ta sẽ không còn cơ hội”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

Là nơi ra đời thị trường chứng khoán, có hơn 2.100 tổ chức của ngân hàng, tín dụng, 50 ngân hàng nước ngoài, TP HCM từng nhiều năm liền nuôi tham vọng thành trung tâm tài chính quốc tế, nhưng đến nay vẫn lỗi hẹn. Trong báo cáo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, TP HCM đã đề nghị đưa mục tiêu này trở thành nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới.

Tại một hội nghị cuối tháng 7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án này.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính cho TP HCM.

Chuyên gia này băn khoăn, 20 năm qua, TP HCM luôn được định hướng là trung tâm tài chính của quốc gia và khu vực nhưng đến giờ vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu. Để đảm bảo tính hiệu quả của đề án, cần xem lại cách tiếp cận, tìm hướng đi khác chứ không thể theo cách truyền thống của các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới.

Minh Sơn – Vnexpress