Bọ đen tấn công trường học

Bọ đen bay vào trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Phú, thị xã Bình Long gây mùi hôi khó chịu, dị ứng da.

Xuất hiện một tháng qua, bọ đen dày đặc ở các phòng học, hành lang, nhà vệ sinh… Loài này không cắn người nhưng lại tiết ra mùi hôi, khiến thầy cô và học sinh khó chịu khi dạy và học. Nếu tiếp xúc với dịch của bọ sẽ làm da ửng đỏ, một số học sinh da mẫn cảm đã bị dị ứng.

Bọ đen xuất hiện dày đặc thành mảng ở nền phòng học trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Văn Trăm.
Bọ đen xuất hiện dày đặc thành mảng ở nền phòng học trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Văn Trăm.

Thầy Nguyễn Hữu Thu, Hiệu trưởng trường Tiểu học & Trung học cơ sở An Phú cho hay, khoảng 10 năm nay cứ vào đầu mùa mưa, thầy và trò lại tìm cách đương đầu với nạn bọ đen tấn công, đến cuối mùa mưa chúng lại xuất hiện lần nữa.

Các năm trước, lúc bọ đen xuất hiện, học sinh đã nghỉ hè, nhưng năm nay do Covid-19 nên các em vẫn đang học. Nhà trường phải trưng dụng các phòng chức năng, nơi có ít bọ đen để bố trí sắp xếp phòng học cho các em.

Để diệt bọ đen, trường đã tổ chức dọn vệ sinh, phun xịt thuốc khử khuẩn, quét rửa phòng học bốn đợt vào các ngày cuối tuần.

Cán bộ nhà trường đổ bọ đen thành đống để đốt. Ảnh: Văn Trăm.
Cán bộ nhà trường đổ bọ đen thành đống để đốt. Ảnh: Văn Trăm.

“Hiện đã có hàng tấn bọ đen được thu gom để đốt. Mặc dù đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã can thiệp ngay từ những ngày đầu loài côn trùng này xuất hiện, tình trạng này chưa thấy giảm”, thầy Thu nói.

Trung tâm Y tế thị xã Bình Long đã khuyến cáo nhà trường tiếp tục diệt bọ thủ công; không sử dụng các loại thuốc, hóa chất để phun xịt, nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường.

Bọ đen (tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae) là loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, hình dáng giống hạt đậu đen. Bọ sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, cây ăn trái nhưng không gây hại cho thực vật.

Loài này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, những vùng có diện tích lớn cao su, cây ăn trái. Bọ đen có tính hướng sáng nên thường bay vào nhà với mật độ cao.

Văn Trăm – Vnexpress