Sáng 5/3, ông Bùi Mạnh Lân (63 tuổi), Tổng giám đốc và Phạm Văn Hướng (66 tuổi), Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh đến công ty rất sớm, để dự buổi xin lỗi do Bộ Công an tổ chức. Họ mặc chiếc áo sơ mi xanh, quần tây như trang phục thường ngày đến công ty làm việc.
Tại hội trường công ty trong Khu công nghiệp Đồng An, ngoài người thân, bạn bè của hai doanh nhân bị bắt oan, buổi xin lỗi còn có đại diện Công an Tiền Giang, Công an Bình Dương và lãnh đạo hai phường Bình Hòa, TP Thuận An và phường Thảo Điền (quận 2, TP HCM) – nơi hai ông Lân và Hướng cư ngụ.
Thượng tá Cường thay mặt Bộ Công an gửi lời xin lỗi đến ông Lân, ông Hướng và gia đình. Ông Cường thừa nhận, năm 2003, trong quá trình điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng, điều tra viên, cán bộ điều tra thiếu trách nhiệm, chủ quan, thiếu thận trọng trong thu nhập tài liệu chứng cứ, chưa khách quan, có đề xuất nóng vội, không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lân và ông Hướng.
“Đây là sự việc đáng tiếc không mong muốn, liên quan trách nhiệm cán bộ điều tra trước đây, trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm đã dẫn đến việc ông Lân bị tạm giam 41 ngày, ông Hướng 63 ngày mà không được Viện kiểm sát tối cao phê chuẩn”, ông Cường nói.
Đại diện Bộ Công an cho biết sẽ đề xuất phương án bồi thường theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 và hứa rút kinh nghiệm để không xảy ra sai sót tương tự trong thời gian tới.
Vui vẻ nhận bó hoa từ thượng tá Cường, ông Lân và ông Hướng nói chấp nhận lời xin lỗi của đại diện Bộ Công an. Ông Lân cho biết buổi chiều bị bắt vẫn ám ảnh ông trong suốt 17 năm qua và không cần bồi thường. “Danh dự, uy tín không thể được tính bằng tiền, không có số tiền nào mua được những ngày tháng bị giam giữ oan ức”, ông Lân nói. Trong khi đó, ông Hướng chấp nhận bồi thường theo quy định.
Cả hai doanh nhân này mong cơ quan tố tụng phải thận trọng hơn, chấp nhận kỷ cương để đảm bảo danh dự, uy tín của người dân, doanh nghiệp; đồng thời cần xử lý những người dẫn đến sai sót này. “Pháp luật phải thực thi công bằng, có công thì khen thưởng, vi phạm phải xử lý”, ông Lân nói.
Theo hồ sơ, ông Hướng góp vốn trong Công ty TNHH Gas Bình Dương, đóng tại Khu công nghiệp Đồng An, giữ chức Phó Tổng giám đốc. Năm 2000, ông Hướng cùng hai thành viên khác trong HĐQT cho rằng ông Nguyễn Viết Tạo, Tổng giám đốc có biểu hiện lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản của công ty.
Ngày 18/9/2000, nghi ông Tạo có ý đồ tẩu tán tài sản, một số thành viên trong HĐQT đưa người đến công ty canh giữ. Ông Tạo chỉ đạo bảo vệ chống lại, dẫn đến xô xát.
Hai năm sau, ông Tạo gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo Công ty cổ phần Hưng Thịnh (đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng An) thuê đàn em Năm Cam chiếm giữ tài sản của Công ty Gas. Khi đó, Bộ Công an đang điều tra chuyên án nhóm tội phạm xã hội đen do Năm Cam cầm đầu.
Ngày 29/4/2003, Bộ Công an khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại đây từ năm 2000, đồng thời bắt ông Lân, ông Hướng cùng 5 người khác. Sau đó cả hai lần lượt được tại ngoại. Qua xem xét hồ sơ, ngày 16/8/2004 VKSND tối cao đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Lân, ông Hướng.
Phước Tuấn – Vnexpress