Các quan chức Nhà Trắng cấp cao hôm 25/1 cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ ký sắc lệnh nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo điều kiện sử dụng lao động nội địa bằng cách tăng cường đầu tư vào các ngành sản xuất trong chiến lược “Xây dựng lại tốt hơn”, điều mà chiến dịch tranh cử của ông từng cam kết.
Sắc lệnh hành pháp mới cũng hạn chế việc các cơ quan liên bang đóng dấu sản phẩm họ mua là “sản xuất tại Mỹ”, loại bỏ kẽ hở pháp lý mà nhiều công ty lợi dụng là sản phẩm cung cấp cho chính phủ Mỹ chỉ có một phần nhỏ sản xuất tại nước này.
Quyết định của Biden phản ánh cách tiếp cận của những người tiền nhiệm, đặc biệt là cựu tổng thống Donald Trump. Cựu tổng thống Mỹ từng ban sắc lệnh hành pháp thúc giục chính phủ liên bang mua thêm sản phẩm sản xuất tại Mỹ và biến thuế quan thành vũ khí chống lại hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, Biden ủng hộ thắt chặt quy định “mua hàng sản xuất tại Mỹ” và muốn sử dụng quyền mua của chính phủ liên bang, thay vì gây chiến tranh thương mại.
“Số tiền mà chính phủ liên bang chi tiêu là công cụ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và người lao động Mỹ. Chỉ riêng hợp đồng cung cấp sản phẩm cho chính phủ liên bang đã chiếm gần 600 tỷ USD trong ngân sách”, một quan chức chính quyền cho hay.
Đạo luật Mua hàng hóa Mỹ năm 1933 vẫn còn hiệu lực, yêu cầu các cơ quan liên bang ưu tiên mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ, nhưng “những ưu tiên này không phải lúc nào cũng được thực hiện nhất quán hoặc hiệu quả”, theo phát ngôn viên chính quyền Biden.
Trong chiến dịch tranh cử, Biden cam kết tăng cường quy trình “Mua hàng hóa Mỹ” với kế hoạch sử dụng 400 tỷ USD cho các dự án mua hàng hóa do Mỹ sản xuất, bao gồm thép hoặc thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế chống Covid-19.
Sau khi đắc cử, Biden tuyên bố chính phủ liên bang sẽ mua ô tô và hàng tồn kho Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cảnh báo áp đặt hạn chế mới lên quy tắc mua bán có thể đẩy chi phí tăng cao, khiến việc mua linh kiện sản xuất ở nước ngoài khó khăn hơn.
Hồng Hạnh (Theo AFP) – Vnexpress