Ray Kroc mua lại McDonald’s vào năm 1961, khi ông 59 tuổi còn Sam Walton mở cửa hàng Walmart đầu tiên lúc 44 tuổi. Họ là hai trong số nhiều người thành công sau quyết định đổi nghề ở tuổi 40.
Ở tuổi 46, Samuel L. Jackson cũng có quyết định lớn trong đời ông và trở thành ngôi sao hàng đầu cùng John Travolta nhờ bộ phim Pulp Fiction.
Tuy nhiên, thay đổi nghề nghiệp ở độ tuổi ngoài 40 không phải là điều dễ dàng. Muốn gặt hái thành công trước quyết định khó khăn này, mỗi người đều cần tự trang bị những kỹ năng, thái độ cần thiết.
1. Coi trọng thời gian hơn tiền bạc
Không có gì quý hơn thời gian, do đó, ngồi chờ đến thời điểm phù hợp để nhảy việc là sai lầm.
Thực tế, bạn không bao giờ tìm thấy thời điểm hoàn hảo. Bạn sẽ luôn bị níu chân bởi những dự định dang dở hoặc những thứ mới lạ, có vẻ hấp dẫn.
Bằng cách đặt tầm quan trọng của thời gian trên tiền bạc, bạn sẽ tối đa hóa cơ hội thành công và tránh được tình trạng trì trệ trong công việc.
Nếu bạn cảm thấy lạc lõng tại văn phòng, hãy hiểu rằng không phải chỉ riêng bạn cô đơn. Theo thăm dò của Viện Gallup, chỉ 32% nhân viên ở Mỹ nói họ thực sự gắn kết với công việc. 68% còn lại đều là bản sao của chính bạn.
Khi bạn nghĩ rằng tài năng của mình không được trọng dụng, những “câu chuyện chính trị” trong quá trình thăng tiến khiến bạn mệt mỏi hay đơn giản là bạn nhận thấy có ai đó đang thúc giục bạn sống khác đi. Đấy chính là lúc hành động.
Đừng chờ thêm 20 năm nữa, khi bạn đã nghỉ hưu, để thay đổi công việc. Đừng ngần ngại lập ra một kế hoạch ngay khi bạn chỉ mới nhen nhóm ý tưởng. Sau này, bạn sẽ phải thấy biết ơn vì sự dũng cảm của chính bản thân.
2. Xây dựng quan hệ
Tất nhiên, chuyển hướng công việc không dễ dàng nhưng không có nghĩa là không thể. Một điểm tích cực bạn có thể cân nhắc khi phát triển công việc mới là những người sẽ đồng hành cùng bạn trên con đường phía trước.
Thậm chí nếu những đồng nghiệp ấy không thể giúp ích trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi thì đừng quên, bạn có thể tận dụng những mối quan hệ khác của họ. Chẳng bao giờ là thừa thãi khi bạn kết giao bạn bè.
Ví dụ, một người thay đổi công việc và gia nhập vào lĩnh vực bất động sản. Điều đầu tiên anh ấy làm là nói với tất cả mọi người rằng anh là một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
Tất nhiên, anh ta cũng hiểu được rằng, không phải ai cũng muốn bán nhà. Nhưng anh ta muốn mình là cái tên hiện lên đầu tiên hiện lên trong đầu họ nếu ai đó hoặc người quen của họ có ý định bán hoặc mua nhà.
Cho mọi người biết về nghề nghiệp bạn muốn theo đuổi càng sớm, họ sẽ nghĩ đến bạn ngay khi họ có nhu cầu.
Câu hỏi đặt ra là thời điểm nào thích hợp để nói với mọi người?
Hãy đặt bản thân vào tình huống sau: Khi nào là phù hợp để mọi người biết rằng bạn sắp kinh doanh dịch vụ xúc tuyết?
Câu trả lời là vào mùa hè – khi không có tuyết. Và sau đó hãy chủ động duy trì liên lạc với những khách hàng tiềm năng cho đến khi họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ của bạn. Bạn có cả một mùa thu để nuôi dưỡng và phát triển những mối quan hệ này. Khi mùa đông đến, họ sẽ biết được ai có thể đáp ứng nhu cầu của họ.
3. Tin rằng bạn có thể làm được
Một trong những sai lầm lớn nhất mà bạn thường mắc phải là khi bạn muốn làm một điều mới mẻ nhưng lại không dám nói ý định ấy cho mọi người.
Nếu bạn nói kế hoạch của bản thân cho những người làm một công việc ổn định trong 30 năm, họ sẽ nói với bạn rằng sự ổn định là cần thiết, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định này. Ngược lại, đối với người thường xuyên thay đổi công việc, khi được hỏi, họ sẽ đồng ý với quyết định của bạn. Dù là kết quả là gì, những góp ý đều rất cần thiết.
Mỗi hành động trong cuộc sống đều thể hiện niềm tin của bạn. Nếu ai đó muốn khởi nghiệp mà không cần lời khuyên của người khác, anh ta sẽ không thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Cũng là một nhà khởi nghiệp nhưng lần này anh ta sợ phải gánh chịu những rủi ro và luôn chọn một hướng đi an toàn. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp của anh ta sẽ nhanh chóng thất bại chỉ trong 5 năm đầu tiên.
Vì vậy, khi bạn chia sẻ dự định với những người tiền bối đi trước, họ sẽ cho bạn những lời khuyên về những khó khăn khi bắt đầu công việc mới cũng như cách thức vượt qua chúng.
Nếu bạn muốn dẹp bỏ nỗi sợ hãi và sự tự ti khi thay đổi nghề nghiệp ở năm 40 tuổi, bạn cần xin chia sẻ của những người đã thành công khi quyết định chuyển hướng công việc. Họ sẽ cho bạn thấy viễn cảnh thực tế, những khó khăn thường gặp bên cạnh sự nỗ lực tuyệt đối. Và họ cũng sẽ giúp bạn bồi đắp niềm tin rằng, bạn sẽ làm được và hoàn toàn có thể thành công.
4. Nỗ lực
Rời bỏ chỗ làm hiện tại để tìm kiếm một công việc mới nó giống như việc bạn đang rời bỏ vùng an toàn của chính mình.
Dù bạn cảm thấy chán nản, làm việc không hiệu quả ở công việc hiện tại nhưng nó vẫn là một sự lựa chọn an toàn. Điều này lý giải vì sao nhiều người không sẵn sàng cho việc thay đổi nghề nghiệp.
Nếu bạn muốn có được sự thành công khi quyết định làm trái ngành ở tuổi 40, hãy tham gia các sự kiện về công nghiệp, dù nó được tổ chức ở địa phương hay là những hội nghị cấp cao. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu với những sự kiện tại địa phương, bởi tính chất tổ chức đơn giản và thoải mái, rất thuận lợi trong việc kết nối và giao lưu. Ngoài ra, tham gia các sự kiện này còn giúp bạn xây dựng thêm được nhiều mối quan hệ, đôi khi là tiến đến một buổi phỏng vấn.
Bạn cũng có thể bắt đầu với việc nghiên cứu các kỹ năng liên quan, chứng chỉ cần thiết, từ đó, xây dựng một kế hoạch hành động phù hợp với kết quả nghiên cứu của bạn.