Du thuyền như một khách sạn nổi đưa khách tới các điểm đến đa dạng trên thế giới. Để phục vụ, đội ngũ thuyền viên phải tính toán kỹ lưỡng đằng sau hậu trường để giúp khách hàng cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn.
Công suất hoạt động và kích thước của nhà bếp trên du thuyền rất lớn. Ví dụ, một con tàu chở 3.500 hành khách cần sử dụng 270 kg bơ mỗi ngày, 250.000 quả trứng mỗi tuần, 77.000 kg trái cây và rau quả tươi. Để có thể chế biến lượng thực phẩm như vậy, cần có nhiều nhân lực trong nhà bếp. Với một nhà hàng tiêu chuẩn hoặc tàu có kích thước vừa phải, nhà bếp có khoảng 120 nhân viên, đối với các tàu lớn, con số này hơn 200 người.
Bánh mì là món ăn luôn có sẵn trên tàu. Hầu hết đầu bếp nướng bánh mì 3 lần mỗi ngày và sử dụng tới 680 kg bột mì. “Tàu liên tục di chuyển, thêm yếu tố nhiệt độ và độ ẩm trong không khí không ổn định khiến cho công việc nhào bột trở nên khó khăn”, các đầu bếp chia sẻ.
Văn hóa ẩm thực ở quê nhà và các nguyên liệu yêu thích thường tác động đến đầu bếp. Nhiều món xuất phát từ sở thích cá nhân hoặc lịch sử gia đình. Trên du thuyền Princess, số lượng đầu bếp đến từ Italy đông hơn bất cứ nơi nào khác. Ba món ăn trong thực đơn của họ xuất phát từ các món truyền thống của Italy.
“Tôi được sinh ra ở Bergamo, Italy, nơi có nền ẩm thực tuyệt vời của miền Bắc Italy. Tôi luôn thích kết hợp những hương vị quê nhà để nấu những món ăn ngon trong thực đơn hàng ngày trên tàu”, bếp trưởng Auriana của du thuyền Princess cho biết.
Nguyên liệu địa phương cũng góp phần tạo nên hương vị cho các món ăn. Ít ai biết rằng một số tàu du lịch đi xa hơn hải trình một chút để có thể mua nguyên liệu tươi sống cho các món ăn trên tàu. Mì ống tươi thường được mua khi tàu cập cảng ở Italy.
Để tạo ra hương vị ẩm thực đẳng cấp, các đầu bếp trên biển phải được đào tạo chuyên nghiệp. Đầu bếp làm chocolate nổi tiếng Norman Love đã học tập tại Pháp trước khi hợp tác với du thuyền để tạo ra những món ăn độc quyền. Nhiều đầu bếp còn mang kinh nghiệm làm việc tại nhà hàng lên tàu.
Phản hồi của khách hàng và điểm đến là nguồn cảm hứng cho thực đơn trên tàu. Chuyên gia pha chế đồ uống Rob Floyd cho rằng, có 3 yếu tố để làm ra một ly cocktail đẳng cấp là hương vị, kỹ thuật và câu chuyện. Ông giải thích: “Quan trọng nhất là hương vị, vì sự kết hợp thành phần thú vị tạo ra hương vị thơm ngon. Yếu tố thứ hai yêu cầu kỹ năng điêu luyện của người pha chế. Câu chuyện đặt tên cocktail giúp trải nghiệm của thực khách trở nên đáng nhớ”.
Ngân Dương (Theo Insider) – Vnexpress