Hơn 10 năm qua, một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã duy trì sự sống bằng BHYT và sự hỗ trợ của nhà hảo tâm. Riêng trong năm nay, anh đã được BHYT chi trả 4,7 tỉ đồng.
“Tôi về kể bà con lối xóm rằng con tôi được BHYT trả cho mấy chục tỉ, hàng xóm không tin. Họ bảo BHYT làm gì có nhiều tiền mà trả như vậy. Tôi phải đưa giấy tờ ra họ mới tin” – bà Trần Thị Mai (65 tuổi), mẹ bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (34 tuổi; thường trú huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long; đang điều trị ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy căn bệnh thiếu yếu tố di truyền – hemophilia A), kể lại.
Không nghĩ bệnh truyền nhiều đời
Hơn 10 năm qua, anh Nghiêm gắn bó ròng rã với BV. Bốn năm trở lại đây, bệnh tình càng trở nặng, anh không thể đi được và hoàn toàn sống ở BV, luôn túc trực bên anh là mẹ. Anh Nghiêm là một trong những bệnh nhân được BHYT chi trả mức cao nhất trong vòng 10 tháng đầu năm 2018 là 4,7 tỉ đồng.
Tất bật chăm sóc anh Nghiêm tại BV, bà Mai kể gia đình bà từng có người ông và ba người em trai cũng mắc bệnh máu khó đông, lần lượt ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà nhớ rõ mồn một từng nhận một trận đánh nhớ đời khi lỡ để em trai, lúc đó mới 30 tháng tuổi, té dập môi khiến máu chảy không ngừng. Người em trai này sau đó đã không qua khỏi hai ngày sau đó. “Tôi không nghĩ là bệnh sẽ di truyền nhiều đời như vậy. Nghiêm mới ba tháng tuổi đã có dấu hiệu bệnh như mấy cậu nó là luôn bị bầm đỏ bầm xanh ở khớp gối, không bao giờ nó đi đứng, chạy nhảy đàng hoàng được như người ta. Nhiều khi khớp sưng đau, nó phải ngồi một chỗ đến sáu tháng. Tôi đưa con đi BV ở địa phương nhưng họ nói không chữa được, phải lên TP nên đành đưa về vì nhà quá khó khăn. Ngờ đâu tới năm 24 tuổi, nó bị đập mạn sườn vào thành xuồng nên hình thành khối u” – bà Mai kể tiếp.
Bà Mai sau đó đã lặn lội cùng con tìm đến BV Chợ Rẫy để điều trị khi khối u ngày một to, nguy cơ vỡ. Tuy nhiên, chi phí BHYT ban đầu cũng khá cao khi chỉ chi trả 80% nên anh Nghiêm lên BV “bữa đực bữa cái”. Nhờ sau đó anh Nghiêm được đưa vào diện người khuyết tật nên BHYT bảo trợ chi trả 100%. Tuy nhiên, cũng có những chi phí kỹ thuật cao BHYT chưa chi trả như máy hút dịch ba ngày phải thay một lần, mỗi lần ngốn 2 triệu đồng. Chi phí này phòng Công tác xã hội của BV đang vận động mạnh thường quân giúp cho hai mẹ con.
“Sao kiếm ra mấy chục triệu/ngày?”
“Không có BHYT chi trả và nhà hảo tâm giúp sức, chắc tôi đành đưa nó về rồi tới đâu hay tới đó. Lúc nhận hóa đơn tính tiền thấy con số tỉ, tôi cũng sốc lắm vì con tôi xài tiền BHYT quá nhiều mà vẫn được chi trả. Chứ không được trả, một ngày con tôi nằm cũng không nổi. Làm sao tôi có thể kiếm ra mấy chục triệu một ngày để lo cho nó” – bà Mai nói và đưa hóa đơn tính viện phí mới nhất được BHYT chi trả hơn 1,2 tỉ đồng trong vòng hai tháng như sợ chúng tôi chưa tin. Bà Mai ước tính 10 năm đi BV, chắc BHYT đã chi trả cho con bà vài chục tỉ. “Mỗi lần ra viện là thấy hóa đơn 1,5 tỉ, 1,8 tỉ, có khi 3,3 tỉ” – bà Mai nhẩm tính.
Nghe mẹ kể chuyện, anh Nghiêm góp lời: “10 năm trị bệnh, chi phí xe cộ, ăn uống riêng cũng đã rất nhiều, tiền thuốc mà không có BHYT trả nữa chắc tôi đã chết rồi. Vào đây tôi mới thấm thía ý nghĩa nhân văn của BHYT người không bệnh mua giúp cho người bệnh”.
BS Nguyễn Hữu Tuấn, khoa Huyết học BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân Nghiêm nhập viện lần đầu vào năm 2010 và được chẩn đoán bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh. Bệnh nhân Nghiêm do gặp tai nạn nên xuất hiện lượng máu tụ lớn trong ổ bụng, đến năm 2014 khối máu tụ vỡ ra gây nhiễm trùng hoại tử trong ổ bụng nên anh Nghiêm đã được xử lý lấy khối máu tụ. “Hiện tại, vết thương của bệnh nhân đã giảm nhưng chưa lành được, phải đặt dụng cụ hút liên tục dịch vết thương ra, hy vọng có thể làm lành vết thương. Tuy nhiên, chi phí điều trị của bệnh nhân rất lớn vì thuốc điều trị và thiết bị kỹ thuật sử dụng rất đắt tiền, may mắn đa số được BHYT chi trả nhưng một số thiết bị như dụng cụ hút dịch vẫn chưa được chi trả và hiện được phòng Công tác xã hội BV hỗ trợ” – BS Tuấn cho hay.
Chi trả cao không ảnh hưởng quyền lợi bệnh nhân khác
Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2018 đã có 50 trường hợp bệnh nhân điều trị các bệnh khác nhau được BHYT thanh toán từ 400 triệu đến hơn 4,7 tỉ đồng. Đây là mức chi trả cao thứ hai cho một bệnh nhân từ trước đến nay (trước đó là 5,7 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho hay: “Nhiều người không may mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày, nhờ tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn, tránh được “bẫy nghèo”. Các bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn nêu trên thường mắc các bệnh về máu, chủ yếu là bệnh hemophilia. Đây cũng phản ánh nguyên lý cơ bản của chính sách BHYT xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định các bệnh nhân BHYT khác không bị ảnh hưởng đến quyền lợi trong khám chữa bệnh”.
Theo Hoàng Lan (Pháp luật TPHCM)